(Những bài văn hay) – Kể về một lần em mắc khuyết điểm làm thầy, cô giáo buồn. ( Bài làm văn được 9 điểm của bạn Nguyễn Thùy Duyên).
Đề 5: Kể về một lần em mắc khuyết điểm khiến thầy cô giáo buồn.
BÀI LÀM
Cách đây hai tuần, em đã phạm một lỗi lầm mà em không bao giờ quên được. Đó là lần em đã quay cóp tài liệu khi đang làm bài kiểm tra. Việc làm đó đã khiến cho cô chủ nhiệm của em phải buồn lòng rất nhiều.
Buổi tối trước hôm đó, em đã xem thời khóa biểu và biết rằng ngày mai không có gì phải làm cả, chỉ riêng môn Văn là phải học thuộc lại các ghi nhớ, xem lại tất cả các bài tập làm văn cô cho. Nhưng vì hôm đó có bộ phim rất hay nên em mải mê xem phim mà quên không học bài gì cả. Sáng hôm sau, khi vào tiết Văn em đã rất ngạc nhiên khi nghe cô nói rằng: “Ôn lại bài năm phút rồi lấy giấy ra làm kiểm tra nhé các em”. Lúc đó, trên trán em toát cả mồ hôi, ướt cả tóc. Em không biết phải làm sao nếu như điểm kém thì sẽ bị bố mẹ la rầy còn các bạn sẽ cười chê mình. Thẫn thờ một lúc lâu thì cô giáo bắt đầu đọc đề. Cô vừa đọc xong thì các bạn chăm chú làm bài, chỉ riêng em thì loay hoay hỏi bài nhưng chẳng ai chỉ em cả. Nhìn lên đồng hồ em thấy không còn kịp thời gian để ngồi hỏi bài nữa. Em đánh liều một phen thử xem sao. Em lấy cuốn tài liệu ra và chép lia lịa cho đến hết giờ, cô kêu cả lớp nộp bài. Nộp bài xong, các bạn ríu rít hỏi xem nhau có làm được không, còn em chỉ ngồi cười mỉm một mình vì em biết chắc rằng mình sẽ được điểm cao thôi.
Qua ngày hôm sau, khi cô trả bài kiểm tra, em đạt được điểm số rất cao. Khi cô kêu đọc điểm cho cô ghi vào sổ thì em đã rất tự tin đứng lên nói lớn rằng: “Thưa cô, mười ạ!”. Cả lớp ồ lên tuyên dương em, cô thì mỉm cười nói rằng: “Em làm bài tốt lắm!”. Lúc đó, em cảm thấy rất vui. Vừa tan học, em chạy một mạch về nhà khoe với bố mẹ và mọi người trong nhà. Ai cùng khen em giỏi, em cũng cảm thấy rất hãnh diện vì điều đó nhưng không biết vì sao, tối hôm đó em không thể nào ngủ được. Cứ mãi trằn trọc suốt đêm, cứ cảm thấy mình không trung thực với cô, với những người xung quanh đã luôn tin tưởng ở mình. Điểm này không phải là con điểm thật sự do chính thực lực của mình làm, mà nó chỉ do em quay cóp mà có. Em cứ suy nghĩ mãi, không biết làm sao vì bây giờ nếu nói ra sự thật thì mọi người sẽ nghĩ mình như thế nào? Em đắn đo một lúc em quyết định sẽ nói rõ ràng cho cô biết. Sáng hôm thứ hai, em đã lấy hết can đảm để gặp cô và nói rằng: “Thưa cô, em xin lỗi cô rất nhiều vì em đã không trung thực trong lúc làm bài. Em đã quay cóp tài liệu mới có điểm mười đó”. Nghe xong, cô giáo không nói gì chỉ im lặng sửa điểm trong sổ. Nhưng em biết rằng, thẳm sâu trong đôi mắt cô là sự buồn lòng và thất vọng khi có một học sinh như em. Cuối giờ học, cô gọi em lên và nói : “Cô mong rằng sẽ không có lần thứ hai em quay cóp tài liệu trong giờ kiểm tra nữa. Đó là việc làm không đúng. Em cần khắc phục. Tuy vậy, cô cũng có lời khen ngợi vì em đã biết trung thực nhận lỗi, đó là điều đáng khen. Em phải hứa với cô sẽ cố gắng học hành chăm chỉ hơn và đừng làm như vậy nữa em nhé!”. Nghe cô nói xong, tự dưng hai khóe mắt em cay cav, nghẹn ngào, lí nhí xin lỗi cô mà trong lòng chan chứa bao cảm xúc khó tả. Trong lòng em giờ đây đã nhẹ nhõm hơn vì mình đã can đảm nói ra sự thật.
Qua sự việc này, em muốn nói với mọi người rằng: trong cuộc sống đầy bộn bề như bây giờ, chúng ta cần phải biết sống một cách trung thực, đừng làm người khác phải buồn lòng vì mình. Là một học sinh, ngay từ bây giờ, em sẽ cố gắng học hành chăm chỉ, không ham chơi nữa. Em sẽ không phải khiến cho các thầy, các cô và mọi người xung quanh mình buồn lòng thêm lần nào nữa.
(Bài làm của HS)
BÀI VĂN 2
Mỗi con người, chắc chắn ai cùng sẽ có những lúc lầm lỗi, không có ai là hoàn hảo dù người đó có giỏi đến đâu. Tôi cũng vậy. Tôi đã từng mắc một lỗi mà tôi không bao giờ quên được. Lúc ấy tôi còn là học sinh vừa học hết lớp bảy.
Hồi đó, do ba mẹ nói tôi có năng khiếu vẽ và chính tôi cũng thích được trở thành nhà thiết kế thời trang. Ba mẹ đã đăng ký cho tôi học vẽ tại nhà của một cô giáo vừa về hưu. Cô tên Dương, dù đã ngoài cái tuổi năm mươi nhưng cô vẫn tràn đầy sức sống. Cô hiền lắm! Khuôn mặt cô điềm tĩnh, hiền hậu khiến tôi luôn có cảm giác như cô là mẹ tôi vậy. Mái tóc của cô đã ngả bạc trắng. Cô luôn tốt bụng giúp đỡ mọi người nên hàng xóm xung quanh ai cũng quý cô.
Tôi quý cô lắm. Lúc đó tôi thường kiêu căng, tự cao, tự đại với mọi người vì nghĩ là mình giỏi hơn mọi người. Ngày đầu tiên đi học, tôi cứ tưởng bài vẽ cùa mình sẽ được điểm mười nhưng không ngờ cô chỉ cho tôi con sáu. Tôi tức lắm, thế là đâm ra tôi ghét cô. Cứ mỗi lần đi học thêm, tôi không chịu vẽ mà cứ quậy phá làm phiền người khác. Cô bắt tôi vào bàn ngồi vẽ thì tôi lại vẽ đối phó với cô. Không ngờ, có một lần cô cho đề là vẽ chân dung thầy cô mà em thích nhất. Mọi người ai cũng vẽ cô. Chỉ có tôi nghĩ hoài cũng không ra là mình sẽ vẽ ai cả. Cho nên tới lúc nộp bài tôi sợ lắm. Nhưng không ngờ, cô không những không la tôi mà chỉ nói: “Lần sau cố gắng hơn nha con!”.
Kể từ lúc đó tôi cảm thấy mình thật có lỗi với cô. Và tôi cũng rút ra được bài học: “'Không ai là hoàn hảo cả, mỗi người đều có một khuyết điểm”. Từ đó, tính kiêu ngạo của tôi cũng biến mất lúc nào không hay. Những bài vẽ mà tôi vẽ ra, ai cũng khen nhưng không vì vậy mà tôi lại kiêu ngạo nữa. Những lúc đó tôi vui lắm và tôi lại càng quý cô hơn nữa. Cô cũng dạy cho tôi biết thế nào là kiên trì thực hiện thì sẽ thành công.
Tuy tôi chỉ được học với cô trong những tháng hè nhưng cô đã truyền đạt cho tôi không chỉ những kinh nghiệm quý báu mà còn có những bài học cuộc sống để tôi thực hiện theo sau này. Từ ngày học cô, tôi đã biết suy nghĩ hơn, chín chắn hơn, có ý chí, kiên trì hơn. Tôi như đã trưởng thành hơn, bỏ đi cái vỏ bọc kiêu căng, tự đại ngày nào. Tôi rất biết ơn cô. Bây giờ, tuy không học cô nữa, những bài học quý báu mà cô đã dạy cho tôi, tôi sẽ không bao giờ quên. Tôi sẽ dùng những bài học này, chia sẻ với các bạn của mình, dùng chúng để tiếp thêm nghị lực cho tôi trên con đường đầy gian nan phía trước.
Tôi vô cùng biết ơn cô. Bây giờ, nếu có thể nói với cô, tôi sẽ nói lên một điều mà tôi rất muốn nói: “Con cảm ơn cô rất nhiều, vì cô đã dạy cho con những điều hay lẽ phải, giúp con đi đúng trên con đường ước mơ của mình. Con yêu cô nhiều lắm, cô ơi”.
(Bài làm của HS)
BÀI VĂN 3
Là học sinh, chắc hẳn ai ai cũng đã một lần lầm lỗi, phạm sai lầm khiến cho thầy cô phải buồn phiền. Ngay cả tôi cũng vậy, chỉ vì một lần không học bài môn Lý, tôi đã bị điểm kém khiến cho cô giáo phải buồn lòng rất nhiều về tôi. Mặc dù cô đã tha thứ cho tôi nhưng tôi cũng không thể nào quên được việc mình đã làm ngày hôm ấy.
Tối hôm đó, tôi đã xem kĩ thời khóa biểu để chuẩn bị bài cho ngày hôm sau. Tôi nhìn vào thời khóa biểu và không thấy môn nào phải học bài cả, ngoại trừ môn Lý. Tôi định học bài nhưng vì làm biếng và chủ quan cho rằng, lần trước tôi đã trả bài và được điểm cao rồi nên không cần phải học bài làm gì nữa mất công. Thế là, sửa soạn cặp xong, tôi liền chạy đi xem ti vi cho thỏa thích. Sáng hôm sau. vào lớp học, các bạn thì ríu rít ôn bài trong khi đó, tôi thì chỉ lo ngồi tán gẫu chuyện trên trời, dưới đất với lũ bạn. Ít phút sau, cô giáo từ ngoài cửa bước vào lớp. Chúng tôi đứng dậy chào cô một cách nghiêm trang. Cô gật đầu chào chúng tôi rồi ra hiệu cho phép ngồi xuống. Cô cất giọng nói: “Cả lớp lấy giấy ra làm kiểm tra mười lăm phút”. Nghe xong câu nói ấy, tôi bất giác giật mình và bắt đầu lo lắng. Tôi luống cuống lấy tập ra định xem được phần nào hay phần đó nhưng không kịp nữa rồi. Cô bắt đầu đọc đề, tôi viết đề vào giấy kiểm tra mà trong lòng lo âu, thấp thỏm. Cô đọc đề xong, các bạn ai nấy đều tập trung làm bài, riêng tôi thì nhìn vào đề bài, nó biết tôi nhưng tôi nhìn nó sao mà lạ lẫm. Tay tôi như không cầm nổi cây viết, vừa viết vừa tẩy xóa trong khi đó các bạn xung quanh thì hết sức điềm tĩnh mà làm bài. Thời gian trôi qua nhanh thật! Sắp hết thời gian mất rồi! Chỉ còn vài phút là phải nộp bài trong khi đó tờ giấy kiểm tra của tôi trắng tinh thật đẹp bởi chưa có chữ viết làm bài nào trong đó cả. Lúc ấy, tôi hốt hoảng thật sự, loay hoay hỏi bài các bạn xung quanh. Nhưng ngoài những cái lắc đầu và ánh mắt thương hại, tôi chẳng nhận được điều gì khác bởi ai ai cũng đều đang chạy gấp rút với thời gian cho bài làm của mình. Ngay lúc đó, tôi chỉ muốn gục đầu xuống bàn và khóc thôi. Cuối cùng thì thời gian làm bài cũng qua đi, các bạn ai cũng nộp bài với bài làm đầy chữ và gương mặt tự tin còn riêng tôi thì chỉ có tờ giấy trắng. Tôi bỗng nhiên thấy mũi mình hơi cay cay, khóe mắt từ từ trào ra những dòng lệ muộn màng nhưng tôi cũng cố gắng kìm nén lại vì không muốn cô và các bạn thấy điều tệ hại đó. Tối hôm đó, về nhà, trong lòng tôi rối như tơ vò với biết bao lo âu không yên, không dám đối diện với ba mẹ của mình. Tôi lẳng lặng đi ngủ.
Sáng hôm sau, tôi vào lớp với gương mặt vẫn vui vẻ như ngày nào. Nhưng đến khi cô phát bài ra tôi mới sực nhớ chuyện hôm qua và bắt đầu lo lắng cho số điểm của mình. Tôi cầm bài làm trên tay, nhìn vào số điểm. Con số 0 thật là to tướng, cô bắt đầu ghi điểm, cô đọc tên các bạn rồi đến lượt tôi. Lúc đó, tim tôi giật thót lên. Tôi đứng dậy và mạnh dạn nói: “Dạ thưa cô, tám ạ!”.Cô không nghi ngờ gì mà cứ ghi vào sổ. Tôi thở phào nhẹ nhõm ngồi xuống. Nhưng rồi tôi lại cảm thấy bồn chồn, khó chịu trong lòng. Cảm giác ấy làm tôi bứt rứt đến khó chịu.
Vài ngày sau, tôi gặp cô, nói với cô sự thật sau bao ngày tôi suy nghĩ, đắn đo. Cô không nói gì, chỉ sửa điểm lại cho tôi đúng với con số thật của mình. Lúc ấy, trông nét mặt cô khá nghiêm trang pha lẫn trong đó là một chút buồn rầu, thất vọng. Tôi xin lỗi cô lần nữa và quay về chồ ngồi. Trong suốt buổi học đó, tôi có cảm giác như lúc nào cô cũng nhìn tôi. Nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm vì mình đã dám dũng cảm nhận lỗi và sửa chữa sai lầm.
Qua bài học đó, tôi thấy mình thật có lỗi với cô. Tôi mong rằng mọi người đừng bao giờ giống như tôi, điều đó không tốt và sẽ khiến cho những người xung quanh mất niềm tin với chúng ta. Riêng tôi, tôi sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, siêng năng hơn để không phải làm cho thầy cô, cha mẹ buồn lòng nữa.
Bài viết của thầy Vũ Hồng 1
Tôi đã tập tọng học làm thơ từ năm lớp 6, lớp 7. Các loại thơ 4 chữ, 5 chữ, thơ lục bát, thơ thất ngôn…, tôi đều tập viết tập làm. Điếc chẳng sợ súng! Lên học lớp Tám, tôi đã có một tập thơ hơn trăm bài. Bạn Lợi, bạn Thắng được tôi cho xem đã nói: “Thơ cậu là thơ con cóc, chẳng có vần vè gì, đọc lên nghe ngang phè phè…”. Nhưng tôi vẫn “sản xuất” thơ. Tôi đã được các bạn cử làm “chủ bút” tờ báo tường “Chích chòe” của lớp 8C, mỗi tháng ra một số. Có lúc tôi cảm thấy vinh dự!
Tôi hay làm thơ trào phúng đăng báo “châm chọc” các hiện tượng buồn cười đã diễn ra trong trường, trong lớp. Bạn Huệ nhảy dây ngã, tôi viết bài thơ Hoa khỏi bị Thiên Lôi đánh!” Đội bóng “Cá sấu” lớp 8C bị đội bóng "Cua Càng ’ lớp 7B hạ đo ván “3/ 0”, tôi viết bài thơ “Trắng bụng”, làm cho bạn Thế đội trưởng cay cú vô cùng khi đọc đến hai câu sau đày:
"Cá Sấu ” hoa cà đà trắng bụng,
Ba không” – cu Thế nhớ đời chưa?
Số báo tháng 11, số báo đặc biệt chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11 ), tất cả các bạn trong lớp, ai cũng phải viết bài. Có 29 bài thơ, 14 bài văn, 7 tranh vẽ. Tôi có bài thơ “Hoa Trạng Nguyên ” nhằm châm biếm bạn Nguyên lớp phó phụ trách học tập và nền nếp của lớp.
Bạn Nguyên học giỏi toàn diện, rất xinh đẹp. Thi ‘Học sinh thanh lịch" toàn trường, Nguyên được giải Nhất. Nguyên đứng đầu lớp về các môn Tiếng Anh, Toán, Lí, Ngữ văn… Thế nhưng cuối tháng 10 dầu tháng 11, Nguyên học sút kém hẳn. Bài Toán kiểm tra chỉ được điểm 7; bài văn số hai chỉ được điểm 6; bài Tiếng Anh, Nguyên làm sai đến 3 câu. Các bạn bàn tán xôn xao. Mặt Nguyên buồn rười rượi.
Bài thơ của tôi đã giáng cho Nguyên một “vố đau”. Bài thơ đó có 8 câu, đây là 4 câu cuối:
“ Trạng Nguyên hoa” vườn hồng rã cánh
Chẳng gió mưa sao lại xác xơ?
Lên mặt bao lần với lũ cỏ
Màu hồng thắm mãi đến bao giờ? ”
Báo tường ra mắt độc giả, bạn nào cũng biết “Trạng Nguyên hoa” là ám chỉ bạn Nguyên lớp phó. Đọc xong bài thơ, Nguyên khóc nức nở. Bọn con gái 8C nhìn tôi bằng cặp mắt ái ngại. Sau buổi sinh hoạt lớp vào cuối giờ sáng thứ 7, thầy Thịnh chủ nhiệm bảo tôi ở lại với thầy, và về sau. Thầy khen 3 số báo tháng 9, tháng 10, tháng 11 của lớp 8C đều đẹp, nội dung phong phú, có một số bài hay, được nhiều thầy cô giáo đánh giá tốt. Thầy khen tôi học hành rất tiến bộ, có khiếu làm thơ. Thầy nhẹ nhàng hỏi:
– Em có biết vì sao bạn Nguyên học sút kém không?
– Thưa thầy, em không rõ.
– Mẹ Nguyên ốm nặng, đang nằm viện. Tối nào, Nguyên cũng vào viện chăm sóc mẹ, có hôm phải thức trắng đêm. Bố Nguyên đi công tác xa, chưa về kịp. Em của Nguyên còn nhỏ…
Thầy ngừng lại một lát, rồi hạ thấp giọng:
– Em chưa cảm thông với Nguyên khi em viết bài thơ đăng báo. Do vô tình mà trở nên tàn nhẫn. Lần sau cần rút kinh nghiệm. Nên nhớ là đừng làm bạn buồn. Phải biết cảm thông và san sẻ…
Tôi đã bần thần, hối hận. Nước mắt tôi ứa ra. Sau đó, tôi đã thay bài thơ ấy bằng một bài văn khác viết về tình bạn. Chiều chủ nhật, tôi đã cùng bạn Thế, bạn
Tòng, bạn Thám trong “Tòa soạn” vào bệnh viện thăm mẹ bạn Nguyên. Lúc ra về, tôi nói với bạn Nguvyn: “Mong bạn thông cảm và tha lỗi cho mình…”
Khuyết điểm ấy làm tôi ân hận mãi.
Thầy Thịnh đã dạy tôi bài học làm người, bài học về tình thương, sự đồng cảm và san sẻ.
Bài viết của thầy Vũ Hồng 2
Trong cuộc đời mỗi con người ai cũng có lần mắc khuyết điểm khiến thầy, cô giáo phải buồn. Tôi cũng vậy, tôi có rất nhiều lần mắc khuyết điểm, nhưng có lẽ khuyết điểm lớn nhất trong cuộc đời tôi cũng như cái kỉ niệm đã để lại cho dấu ấn sâu đậm trong lòng tôi là cái lần tôi đã dạy con vẹt nói láo khiến thầy Tâm buồn.
Bây giờ tôi đã là một thầy giáo, mỗi lần nhìn thấy lũ học trò tôi lại bồi hồi nhớ về chuyện xưa.
Hồi ấy, thằng Vinh, thằng Quang và tôi là những đứa trẻ tinh nghịch nhất của lớp 4D, chúng tôi được mệnh danh là ” quỷ sứ” của lớp. Thầy tâm chủ nhiệm lớp 4D chúng tôi. Ngày ấy, chúng tôi là thành phần học yếu nhất lớp nên ngoài giờ học trên lớp chúng tôi phải đến nhà thầy Tâm học để thầy giúp đỡ, dạy bảo để học tiến bộ hơn. Khi đến nhà thầy, với bọn con trai chúng tôi ấn tượng nhất là con vẹt bị nhốt trong lồng được treo trên trước cửa. Mỗi lần khi chúng tôi đến, nó lại cất tiếng hót.
-Mời bạn đến chơi nhà.
Con vẹt của thầy Tâm là loại chim rất thông minh, luôn bắt chiếc tiếng người nói, nó rất đẹp, xinh xắn, dễ thương. Nó có bộ lông mượt mà, màu lông óng ả. Mấy cái lông cứng ở đuôi lúc nào cũng xòe rộng ra, cái mỏ nó cứng nhọn. Đôi mắt to tròn như hai hòn bi nhỏ. Cái đầu to lúc nào cũng quay nhìn trước rồi nhìn sau. Đôi chân bé nhỏ có móng vuốt nhọn sắc cứng dường như có thể tạo ra vết thương nếu như bị nó cào. Thầy Tâm kể với chúng tôi là nhìn thấy nó bị bắn rơi trong vườn, đang bị thương và nó còn rất nhỏ, thầy đã chăm sóc tận tình và trị vết thương cho nó. Chúng tôi rất khâm phục thầy vì đã nuôi được con vẹt từ lúc còn rất non nớt đến bây giờ trở thành một con vẹt to lớn. Thầy nói suốt mấy năm mới dạy được nó nói mấy câu nhưng nói sõi nhất là câu ” mời bạn đến chơi nhà”. Khỏi phải nói, chúng tôi rất khoái con vẹt này, lắm lúc tôi còn bắt châu chấu cho nó ăn.
Rồi cứ thế, giữa lúc ấy, một lần thầy Tâm phải đi công tác xa mấy ngày mới về, trong những ngày đó, tôi đi bắt cào cào cho con vẹt của thầy ăn và dạy nó thêm vài câu. Mấy hôm sau thầy về cũng là lúc thằng Quang, Vinh đến học. Thầy chủ về, con vẹt sà cánh ra đón, nhưng thay vào câu chào “Mời bạn đến chơi nhà.” lúc này nó dẩu mỏ gọn lỏn một câu ” cút đi”, nghe xong mặt thầy nhăn lại, những vết nhăn xô ép vào nhau của tuổi già 50. Thầy liền lập tức mở lồng thả nó bay đi, bọn chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, rồi thầy quay lại hỏi chúng tôi ai đã dạy nó những câu đó, chúng tôi nhìn nhau. Thầy lúc này dường như rất buồn, thầy không mắng chúng tôi mà chỉ im lặng, lúc này tôi rất sợ hãi và chỉ biết im lặng. Lúc này tội sỡ hãi và ân hận quá. Chính tôi đã dạy nó nói những câu láo lếu đó, tôi thấy thật thương cảm cho thầy chủ nhiệm, cũng thật oan ức cho và con vẹt vô thức. Vợ thầy mất sớm, con gái thì đi lấy chồng xa, thầy chỉ có con vẹt để làm bầu bạn, vậy mà giờ thầy thả nó đi thì thầy bầu bạn với ai, tôi hối hận quá nhưng tôi cũng không dám nhận lỗi với thầy, rồi thằng Vinh táo bạo hỏi.
-Thưa thầy, thầy yêu quý con vẹt đó lắm mà, sao thầy lại thả nó đi?
Thầy Tâm bỏ cặp kính trắng xuống, lau mắt kính và thầy ôn tồn dạy .
-Loài vật cũng như loài người vậy. Nó sống trên đời để được học những điều tốt đẹp trong cuộc sống để được yêu thương. Con vẹt của thầy cũng vậy, nó đã bị nhiễm cái xấu của cuộc sống thì thà thầy thả nó đi để nó tự do bay trên trời cao để nó hưởng thụ những cái gì nó thích.
Tôi hối hận quá. ” Thầy ơi! em xin lỗi thầy”, thế là buổi học ấy đã trôi qua, lòng tôi nặng trĩu nỗi buồn, tôi lê dép trên đường mà nghĩ đến con vẹt ấy, vậy là chúng tôi không còn thấy nó nữa, day dứt, băn khoăn mãi tôi quyết định đến gặp thầy để xin lỗi thầy.
Hôm sau, tôi đến trước thằng Quang,thằng Vinh tôi thấy thầy đang ngồi trong nhà, tôi chạy đến mà khóc nhận lỗi với thầy.
-Thầy ơi! thầy tha lỗi cho em, chính em đã dạy con vẹt câu láo lếu ấy.
Tôi tưởng thầy sẽ tức giận mà đánh tôi nhưng không đằng này thầy an ủi, động viên tôi.
-Em làm sai mà biết nhận lỗi, đó mới là một điều đáng mừng. Nhưng em ơi, con vẹt ấy đã sống với thầy mấy năm rồi giờ thầy thả nó ra để nó có thể tự do hòa bình với quãng đời còn lại.
Rồi năm tháng cứ thế trôi qua, tôi lớn lên trong sự dạy dỗ ân cần của thầy. Giờ đây, sóng gió cuộc đời đã đưa tôi đến nhiều nơi, tôi rất ít khi được về thăm nhà, thăm thầy những hình ảnh của thầy vẫn sống mãi trong lòng đứa học trò này. Hình ảnh của khuôn mặt nhân hậu, hiền từ hiện rõ những nếp nhăn của tuổi già. Với đôi mắt luôn đăm chiêu nhìn chúng tôi với vẻ thân thương, trìu mến. Với mái tóc đã có những sợi tóc trắng như cước. Đôi mắt ấy được ẩn dưới bộ lông mày đã bạc phếch. Mỗi lần nhớ đến gương mặt sầu sầu của thầy Tâm dường như cái kỉ niệm về con vẹt cứ trỗi dậy trong tâm trí tôi để tôi phải nhớ mãi.
Tôi tự hứa với lòng mình, là sẽ quyết tâm đem hết những kiến thức tôi có và dành hết yêu thương đối với thế hệ học trò tiếp theo giống như thầy Tâm đã đem hết tìm cảm của mình để dạy bọn học trò này. Mỗi lần, nhìn học trò của tôi phạm lỗi, tôi lại thầm nghĩ đến người thầy kính yêu.
Bài viết của thầy Vũ Hồng 3
Trong cuộc sống, mỗi chúng ta không ít lần mắc lỗi nhưng có những lỗi lầm đã gây ra không bao giờ chúng ta quên được. Bây giờ, cứ mỗi lần nhớ đến cô giáo dạy văn năm lớp bảy, tôi lại thấy trong lòng mình ray rứt vì đã vô lễ với cô.
Tôi vốn là một đứa trẻ bất hạnh nhất trên đời – tôi luôn nghĩ về bản thân mình như vậy. Mẹ tôi sinh ra tôi nhưng tôi không có bố. Từ bé tôi đã luôn bị mọi người xung quanh khinh miệt, giễu cợt là “đồ con hoang”. Nhiều bà mẹ không cho con họ chơi với tôi. Tôi sống thui thủi như thế với mẹ trong căn nhà nhỏ tồi tàn cuối xóm. Từ bé, tôi không thấy ai tốt bụng và thương tôi ngoài mẹ tôi. Hai mẹ con tôi sống trơ trọi không họ hàng trong sự khinh miệt của mọi người xung quanh. Trong mắt tôi, loài người thật xấu xa và độc ác – trừ người mẹ hiền lành mà tôi hết lòng thương yêu và kính trọng. Đến tuổi đi học, tôi không chơi với bạn nào trong lớp, luôn lãnh đạm, thờ ơ với mọi người xung quanh.
Năm ấy, tôi học lớp bảy. Trong giờ văn, hôm nay lớp học văn nghị luận chứng minh. Cô giáo giảng đề “Lá lành đùm lá rách”. Cô đã dùng nhiều lập luận và dẫn chứng gần gũi, cụ thể, thiết thực để cho chúng tôi thấy đấy là lòng nhân ái của người Việt Nam ta. Giảng xong, cô cho lớp viết bài, tiết sau cô sẽ sửa. Tiết học sau, cô gọi một số bạn nộp bài cho cô sửa – trong đó có tôi. Cô gọi tôi lên và hỏi: “Toàn, tại sao em lại không làm bài mà để giấy trắng? Em không hiểu bài à? Không hiểu chỗ nào cô sẽ giảng lại cho?”
Phản ứng của tôi bất ngờ đến mức làm cả lớp sững sờ nhìn tôi. Tôi gân cổ lên trả lời cô: “Em không làm vì em không thèm làm chứ không phải không hiểu. Toàn là nói dối, bịa đặt, trên đời này làm gì có lòng nhân ái, người yêu thương người. Tại sao em lại chứng minh điều dối trá như thế là đúng cơ chứ?” Tôi nói mà không biết mình đang nói gì. Có lẽ đó là những điều uất ức dồn nén từ lâu hôm nay bộc phát. Cả lớp đổ dồn những cặp mắt ngỡ ngàng về phía tôi. Còn cô giáo thì mặt tái xanh, tôi thấy cô giận đến run người. Cô không nói lời nào mà bước nhanh ra khỏi lớp. Tôi biết cô rất giận. Cô sợ không kìm chế được cảm xúc nên bước ra ngoài chăng? Tôi thoáng ân hận vì quá lời với cô nhưng tôi không thấy mình sai. Lớp trưởng đến bên tôi nhẹ nhàng: “Tại sao cậu vô lễ như thế? Đi theo xin lỗi cô đi!” Tôi giận dữ: “Tớ không nói sai. Tớ không có lỗi!”
Sau sự việc trên, tôi đinh ninh mình sẽ bị đuổi học hoặc chí ít là mời phụ huynh. Tôi chỉ lo mẹ sẽ buồn. Cuối giờ, cô gọi tôi lên gặp riêng cô. Tôi biết mình sẽ bị khiển trách rất nặng. Tôi bước vào phòng giáo viên, cô ngồi đó vẻ mặt buồn rười rượi. Trên đôi mắt đen lay láy của cô còn ngân ngấn nước. Tôi đoán cô vừa khóc và thấy ngạc nhiên. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi cô không trách mắng tôi mà nhẹ nhàng phân tích cho tôi thấy rằng tôi nghĩ như thế là lệch lạc. Các bạn đã luôn gần gũi và giúp đỡ tôi, cô đã luôn quan tâm và yêu thương tôi,… Tôi vô cùng ân hận. Tôi lí nhí xin lỗi cô. Cô dịu dàng xoa vào đầu tôi và bảo: “Em hiểu được như thế là tốt và đừng nên mất niềm tin vào tình người như thế! Cô không giận em đâu”. Dù cô nói vậy nhưng tôi vẫn thấy mình thật có lỗi khi vô lễ với cô.
Tôi thật biết ơn cô vì đã dạy tôi bài học về tấm lòng độ lượng và giúp tôi lấy lại niềm tin về tình người.