Home / VĂN HỌC / Nghị luận xã hội về lòng khoan dung

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung

(Văn nghị luận) – Anh (Chị) hãy viết bài văn Nghị luận xã hội về lòng khoan dung. ( Bài viết văn hay của bạn Nguyễn Thu Lan).

Đề bài: Nghị luận xã hội về lòng khoan dung

Bài làm

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không”, mỗi khi giai điệu bài hát “Để gió cuốn đi” vang lên lại là một lần nhắc nhở con người về tấm lòng khoan dung, nhân ái của con người. Đây là một trong những phẩm chất đạo đức cao quý, đức hạnh của dân tộc Việt Nam.

Khoan dung là sự độ lượng, biết tha thứ, bỏ qua những lỗi lầm của người khác, luôn mong muốn hóa giải những mâu thuẫn. Người khoan dung là người biết bao dung, lương thiện, không thích gây hấn, làm càn, không chấp nhặt hay cố gắng bắt bẻ, châm chọc người khác mà ngược lại biết cảm thông, sẻ chia với hoàn cảnh của mọi người, biết mở rộng tấm lòng bác ái, quảng đại với những hành động, sai sót của người khác. Khoan dung từ lâu đã là một trong những đức tính cao quý của người dân Việt Nam. Chúng ta lấy tư tưởng này là một trong những nét đẹp của nhân cách con người, giáo dục con cháu, các thế hệ phải sống bằng tình cảm, đặt tình nghĩa lên trên hết và có tinh thần nhân đạo đối với mọi vấn đề của cuộc sống.

nghi-luan-xa-hoi-ve-long-khoan-dung

Khi xưa, dân tộc Việt Nam đã từng trải qua biết bao cuộc chiến chống lại giặc ngoại xâm giữ gìn nền hòa bình cho dân tộc. Thế nhưng ngay cả khi quân giặc đã đại bại dưới tay chúng ta thì đất nước ta thậm chí vẫn cấp ngựa xe, thuyền bè để họ có thể về nước (Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi). Ngay cả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng ta bắt được tù binh nước ngoài nhưng không hề ra tay sát hại để thỏa cơn giận, trả thù cho những đồng bào ngã xuống; trái lại, ta chỉ làm đúng luật pháp, giam giữ họ và thực hiện trao đổi tù binh. Người Việt Nam là những con người có lòng khoan dung độ lượng, đó là điều đáng tự hào mà chúng ta cần phải trân trọng và phát huy. Chúng ta luôn nhân nhượng, ưu ái đối phương hết sức có thể nhưng vẫn kiên quyết giữ vững lập trường, bảo vệ dân tộc.

Lòng khoan dung khiến cho con người trở nên thân thiện, nhân ái vị tha hơn. Nhờ có sự bao dung của mỗi người dành cho nhau mà những lỗi lầm nhỏ nhặt được xóa bỏ, những tranh cãi tủn mủn, xích mích hiềm khích trong cuộc sống đều được bỏ qua, con người lại sống với nhau ngày càng tình nghĩa hơn, thủy chung hơn. Tấm lòng khoan dung khiến cho con người trở nên gắn kết, xã hội trở nên tốt đẹp. Đây cũng là tấm gương cho các thế hệ măng non noi theo, học tập. Ngay từ khi còn bé, chúng đã nhìn thấy những người lớn xung quanh mình sống nhân ái, vị tha, tấm lòng đôn hậu, biết bỏ qua những lỗi lầm không đáng có, cùng nhau tiến lên. Đây sẽ là bài học là cách hành xử gương mẫu để các thế hệ này học tập và làm theo.

nghi-luan-xa-hoi-ve-long-khoan-dung-1

Nhưng khoan dung không có nghĩa là chúng ta sẽ dung túng cho moi lỗi lầm, hành vi sai trái. Khoan dung khiến cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn, con người giàu lòng nhân ái nhưng dung túng thì ngược lại. Dung túng sẽ khiến cho mọi hành động sai trái được cổ xúy, khuyến khích. Vì con người hết lần này đến lần khác nhắm mắt làm ngơ, bỏ qua mọi lỗi lầm của trẻ thơ, của người khác nên họ được thể làm càn, càng ngày càng có những hành động lấn lướt, sai phạm. Việc làm dung túng này khuyến khích cho những tiêu cực, tệ nạn phát triển, kéo lùi đạo đức xã hội, làm cho nó bị mai một, biến chất khiến đất nước ngày càng trở nên tệ hại hơn.

Là một người học sinh, em tự nhủ mình cần phải học và làm theo những tư tưởng đáng quý, đáng trân trọng ấy của dân tộc. Luôn biết đối xử nhân nghĩa, vị tha đối với những người xung quanh để sống xứng đáng với truyền thống đạo đức văn hóa ngàn đời của cha ông ta và giúp bản thân trở thành một con người lương thiện, bác ái hơn nữa.

Nghị luận xã hội về lòng khoan dung
5 (2) votes

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *