Home / VĂN MẪU THPT / Văn mẫu lớp 11 / Phân tích bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương

Phân tích bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương

(Văn mẫu lớp 11) – Anh (Chị) hãy Phân tích bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương trong sách văn học lớp 11.

Đề bài: Phân tích bài thơ Thương vợ của Trần Tế Xương

BÀI LÀM

   Người ta vẫn nói: phụ nữ hơn nhau ở tấm chồng. Nhưng chồng có rất nhiều kiểu chồng, yêu thương vợ cũng có, phũ phàng với vợ cũng không ít kẻ,… Thật khó để chọn được một người chồng vừa thấu hiểu vừa yêu thương mình thực sự. Và Trần Tế Xương đã là một người chồng như thế. Chỉ tiếc rằng, những gì ông dành cho vợ không phải là vật chất xa hoa để vợ được hưởng thụ an nhàn, mà chỉ là những vần thơ dạt dào cảm xúc với tấm lòng chân thật, đầy yêu thương. Có lẽ, trong xã hội ấy, xã hội của nam quyền và phong kiến, thật hiếm có người chồng nào lại thương vợ như ông. Tất cả những tình cảm nồng nàn, thiết tha, ông dồn hết vào trang giấy trắng và viết lên bài thơ “Thương vợ” với những vần thơ rất đằm thắm mà chân thực.

   Yêu vợ, thương vợ và thấu hiểu vợ. Ông hiểu những nỗi khó khăn vất vả mà vợ mình phải chịu đựng:

“Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò nơi quãng vắng

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

Hình ảnh bà Tú hiện lên trong thơ ông là một người vợ, một người phụ nữ đảm đang, tháo vát và tảo tần sớm hôm với công việc “buôn bán ở mom sông”. Vẫn biết nơi đó hiểm nguy luôn rình rập, nếu sơ suất một chút thôi bà cũng có thể mất đi cả tính mạng của mình nhưng bà vẫn làm, làm quanh năm suốt tháng. Bởi cùng một lúc, trên đôi vai gầy của bà phải gánh vác cả hai gánh nặng “nuôi đủ năm con với một chồng”. Ta không thể có khái niệm thế nào là đủ trong khi nhu cầu của con người luôn là vô tận. Nhưng trong cái xã hội nghèo nàn và phong kiến ấy, tự nuôi được bản thân mình thôi đã là vất vả lắm rồi, nay bà không những nuôi cả chồng cả con mà lại còn “nuôi đủ”. “Đủ” nghĩa là không thiếu thốn, không rách rưới, không đói khát hay thèm thuồng thứ gì. Theo một nghĩa khác sâu xa hơn, “đủ” ở đây còn có nghĩa là cuộc sống ấm no, đủ đầy và hạnh phúc. Bà không phải trụ cột gia đình nhưng đã thay cái trụ cột ấy để gánh vác hoàn toàn mọi việc trong nhà. Vừa lo kiếm sống mưu sinh, vừa lo giữ lửa hạnh phúc ấm êm cho chồng, cho con.

phan-tich-bai-tho-thuong-vo-cua-tran-te-xuong

Cũng may Tế xương là người thấu hiểu, thương vợ, cảm thông với vợ và yêu thương vợ thật lòng. Bởi chỉ có như thế ông mới có thể cảm nhận được hết bao vất vả lo toan mà vợ mình gánh chịu. Và nếu không thương vợ, ông cũng chẳng thể nào có được những vần thơ viết về vợ một cách chân thật và giàu cảm xúc đến thế. Là một nhà nho, ông hiểu hơn ai hết những nề nếp, lối sống và quan điểm sống của thời thế lúc bấy giờ – thời thế của nam quyền, thời mà người phụ nữ chỉ là nô lệ, là cỏ rác, thời mà dẫu người vợ có cam chịu bao nhiêu, có vất vả chừng nào cũng chỉ là một chuyện rất thường tình, thậm chí là điều đương nhiên, là điều phải làm, phải chịu. Có có lẽ, hình ảnh bà Tú cũng chính là hình ảnh của bao nhiêu người phụ nữ cùng thời khác. Nhưng trong số đó, có mấy ai được chồng thấu hiểu và thương xót như Tế Xương thương vợ mình? Một người vợ tảo tần, giàu đức hi sinh. Một người mẹ cam chịu và yêu thương gia đình hết lòng:

“Một duyên hai nợ âu đành phận

Năm nắng mười mưa dám quản công.”

Ông bà đến với nhau vì duyên thì ít mà vì nợ thì nhiều. Phải chăng đó là số phận, là ý trời? Dù có là gì đi chăng nữa, người phụ nữ ấy cũng vẫn là một người vợ đảm đang, giàu đức hi sinh và nhẫn nại. Dẫu “năm nắng mười mưa”, dẫu bão bùng ngập trời ngập đất, vì cuộc sống mưu sinh, vì chồng vì con, bà vẫn chẳng “quản công”, vẫn âm thầm chịu đựng bao vất vả lo toan. Tế Xương không nói gì về cuộc sống vợ chồng nhưng qua cách ông kể về vợ mình cũng đủ cho ta hiểu gia đình ông sống rất đầm ấm, thuận hòa. Bởi ông có một người vợ rất giàu đức hi sinh, và bà cũng có một người chồng rất thấu hiểu mình. Hơn nữa, cuộc sống lúc nào cũng đủ đầy, không dư giả nhưng cũng chẳng thiếu thốn thứ gì.

Nhưng càng thương vợ bao nhiêu, nhà thơ lại càng thấy hổ hẹn cho bản thân mình bấy nhiêu:

“Cha mẹ thói đời ăn ở bạc

Có chồng hờ hững cũng như không.”

Tế Xương tự cảm nhận được sự hờ hững của bản thân đã làm cho bà Tú phải khổ. Ông đã thay bà lên tiếng oán than. Ông trách “thói đời” và cũng trách cả mình nữa. Chửi thói đời vì hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ là thời phong kiến, lạc hậu, trọng nam khinh nữ. Chế độ ấy đã đẩy những người phụ nữ đáng thương như bà Tú vào cuộc sống cơ cực, lam lũ, vất vả. Mặt khác, cái xã hội ấy cũng đã không trọng dụng một nhà nho như ông khiến ông là trụ cột gia đình mà không làm được gì giúp vợ con, ngược lại còn phải để vợ nuôi. Chửi chính mình vì ông tự cảm thấy mình không giúp được gì cho vợ. Có chồng như mình, bà không những không được đỡ đần mà còn khổ cực hơn.

Nhưng trong lời chửi ấy còn có cả sự tủi hổ, buồn đau với thế thời. Ông tự nhận thấy bản thân mình có lỗi với bà Tú nhưng ông lại là một nhà nho – cái nghề chỉ được cái danh mà không chút vật chất tiền tài, thế nên chính ông cũng không thể làm gì giúp bà được. Những gì ông dành cho bà là tình cảm, là sự xót thương. Có lẽ như vậy cũng đã là quá đủ cho một người phụ nữ lam lũ và vất vả.

     Như vậy, với tình cảm thương yêu, quý trọng, tác giả đã ghi lại một cách xúc động, chân thực hình ảnh người vợ tảo tần, giàu đức hi sinh. Mặt khác, Thương vợ còn là bài thơ tiêu biểu cho thơ trữ tình của Trần Tế Xương: cảm xúc chân thành, lời thơ giản dị mà sâu sắc. Qua đó ta thấu hiểu được thân phận nổi trôi của người phụ nữ trong xã hội xưa, họ tuy vất vả nhưng giàu tình yêu thương. Chính tình cảm ấy đã giúp họ vượt lên trên tất cả bao đau thương của cuộc đời ngang trái, bất công.

Phân tích bài thơ Thương Vợ của Trần Tế Xương
3 (4) votes

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *