(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy Phân tích hình tượng rừng xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu (Có dàn ý chi tiết). Rừng xà nu là loài cây được trồng nhiều ở Tây Nguyên và có gắn bó mật thiết với con người nơi đây.
I. Lập dàn ý phân tích hình tượng rừng xà nu
1. Mở bài
– Giới thiệu về nhà văn Nguyễn Trung Thành, một người con Quảng Nam nhưng lại có nhiều tác phẩm viết về Tây Nguyên.
– GIới thiệu về tác phẩm Rừng xà nu và hình tượng rừng xà nu.
2. Thân bài phân tích hình tượng rừng xà nu
Cách tả rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
– Rừng xà nu được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong suốt cả tác phẩm theo nhiều cách diễn đạt khác nhau: rừng xà nu, cây xà nu, nhựa xà nu, đồi xà nu, dầu xà nu, lửa xà nu, khói xà nu, ngọn xà nu,…
– Rừng xà nu phát triển khoẻ mạnh, sinh sôi nảy nở nhanh, sức sống mãnh liệt.
Rừng xà nu là biểu tượng cho con người Tây Nguyên
– Rừng xà nu tượng trưng cho con người Tây Nguyên, tượng trưng cho những thế hệ nối tiếp nhau lớn lên của làng Xô man.
– Rừng xà nu tượng trưng cho sự quật cường của con người.
– Rừng xà nu tượng trưng cho ngọn lửa khát vọng tự do.
3. Kết luận
– Nêu cảm nhận của em về hình tượng rừng xà nu.
II. Bài làm phân tích hình tượng rừng xà nu
Mảnh đất Tây Nguyên vốn rất giàu truyền thống với nền văn hoá cồng chiêng và những pho sử thi đồ sộ được nhiều người ngưỡng mộ. Tác giả Nguyễn Trung Thành cũng đã đặt nhiều tình cảm cho mảnh đất này và rồi xây dựng nên những tác phẩm tuyệt vời về con người nơi đây. Đó là Đất nước đứng lên, là Rừng xà nu,… Tác phẩm Rừng xà nu với hình tượng rừng xà nu cũng đã để lại một ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc.
Hình tượng rừng xà nu đã được tác giả Nguyễn Trung Thành miêu tả và nhắc đi nhắc lại xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Rừng xà nu bát ngát đến tận chân trời. Tác giả đã vô cùng khéo léo trong cách lựa chọn từ ngữ. Trong bài, có tới gần 20 lần tác giả nhắc đến hình ảnh rừng xà nu nhưng ông diễn đạt theo nhiều cách khác nhau. Lúc thì là rừng xà nu, lúc lại là đuốc xà nu, nhựa xà nu, lửa xà nu, khói xà nu. Qua cách dùng từ này có thể thấy cây xà nu gắn bó với con người, với cuộc sống của người Tây Nguyên. Lửa xà nu dùng để nấu bếp, khói xà nu thì làm nhem nhuốc mặt những đứa trẻ.
Hình tượng rừng xà nu trở thành thành luỹ vững vàng bảo vệ cho cuộc sống của người dân làng Xô man. Những năm tháng chiến tranh, những cây trong rừng xà nu cây nào cũng có vết thương sâu hoắm. Có những cây còn bị đứt đôi khiến cho nhựa cây tứa ra như máu, vài ngày sau thì chết khô. Rừng xà nu đã bảo vệ cho người dân Xô man bằng cách đưa mình ra hứng chịu những viên đạn của giặc thù. Bằng cách miêu tả vết thương của rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã nói lên nỗi đau thương, mất mát của dân làng Xô man. Qua đây, nhà văn cũng tố cáo tội ác của kẻ thù. Những cây xà nu giống như những người dân Xô man đã ngã xuống như anh Xút, bà Nhan, anh Quyết hay mẹ con Mai,… Họ là những con người đã hi sinh để chống lại kẻ thù, bảo vệ dân tộc. Trong đau thương, rừng xà nu vẫn hiện lên với những vẻ đẹp vô cùng tuyệt vời. Đó trước hết là vẻ đẹp của sự kiêu hùng, vẻ đẹp đến từ hương thơm của nhựa cây ứa ra.
Rừng xà nu có một sức sống vô cùng mãnh liệt. Đó là tượng trưng cho sức sống của người dân Tây Nguyên. Xà nu vốn là loài cây sống hoang dại nên vô cùng mãnh liệt. Qua cách miêu tả của Nguyễn Trung Thành ta có thể thấy được bên cạnh những cây vừa mới ngã gục là những cây con đang mọc lên xanh rờn. Chúng đâm lên trời như những mũi tên. Cứ một cây mẹ ngã xuống lại có một cây con khác mọc lên. Cứ như vậy, rừng xà nu không bao giờ bị lụi tàn.
Rừng xà nu còn là rừng cây ham ánh sáng. Những cây xà nu vẫn luôn vươn tới nơi có ánh sáng giống như những con người luôn hướng tới ánh sáng của tự do. Cây xà nu giống như Tnú, như dân làng Xô man yêu tự do và khát khao muốn vừng lên đánh giặc giành lấy sự tự do. Nói đến rừng xà nu là nói đến những con người của làng Xô man. Họ là những người kiên hùng và bất khuất như cụ Mết người đã giữ cho ngọn lửa tinh thần cách mạng của người dân Xô man luôn bùng cháy, như Tnú người dù bị đốt cháy 10 đầu ngón tay vẫn vùng lên đánh giặc. Tất cả những con người này đã nén đau thương để vùng lên đầy mạnh mẽ.
Trong khi xây dựng hình tượng rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật so sánh, đối chiếu với ngôn ngữ sử thi hào hùng. Đây là một sáng tạo nghệ thuật vô cùng độc đáo giúp người đọc nhận ra được vẻ đẹp tuyệt vời của những con người Tây Nguyên.
Trên đây, chúng ta đã cùng nhau lập dàn ý và phân tích hình tượng rừng xà nu. Hy vọng rằng bài viết này đã mang đến nhiều thông tin hữu ích cho các bạn và các em.