Home / VĂN MẪU THPT / Văn mẫu lớp 12 / Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng (Có dàn ý chi tiết)

Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng (Có dàn ý chi tiết)

(Văn mẫu lớp 12) – Em hãy Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng (Có dàn ý chi tiết). Bài làm văn đạt được điểm cao, dưới đây là bài hướng dẫn giúp các em đạt điểm cao.

I. Lập dàn ý phân tích hình tượng Sóng
1. Mở bài

– Xuân Quỳnh là một nhà thơ nữ nổi tiếng của Việt Nam.

– Tác phẩm Sóng đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng độc giả với hình tượng Sóng.

2. Thân bài phân tích hình tượng Sóng
Hình tượng sóng bao trùm cả bài thơ

– Toàn bộ nội dung bài thơ giống như một con sóng tâm tình của người phụ nữ.

– Hình tượng sóng sánh đôi với hình tượng em, tuy hai mà lại là một.

– Hình tượng sóng khiến cho bài thơ mang âm điệu dào dạt, miên man tới vô tận.

Hình tượng sóng mang nét nữ tính

– Sóng giống như người phụ nữ đang yêu lúc dữ dội lúc lại dịu êm.

– Sóng mang trong mình một khát vọng lớn, sẵn sàng từ bỏ không gian nhỏ hẹp để đến một nơi khoáng đạt hơn.

Hình tượng sóng thể hiện tình yêu bất diệt

– Sóng từ ngày xưa, ngày nay vẫn vậy, luôn khát vọng vươn tới tình yêu.

Nguồn gốc của sóng cũng là nguồn gốc của tình yêu

– Xuân Quỳnh nỗ lực để cắt nghĩa tình yêu nhưng không được.

– Lời thú nhận hồn nhiên nhưng sâu sắc.

Tình yêu đi liền với nỗi nhớ

– Nỗi nhớ lúc nào cũng cháy bỏng và khiến con người ta cồn cào không yên.

– Nỗi nhớ ấy ăn sâu vào trong tiềm thức.

Sóng là niềm thấp thỏm, lo âu

– Đời người hữu hạn, hình tượng sóng đã làm cho nhà thơ lo âu về sự hữu hạn của đời người.

– Hình tượng sóng thể hiện khát khao hạnh phúc mãnh liệt.

3. Kết luận
– Nêu cảm nhận của em về hình tượng sóng.

phan-tich-hinh-tuong-song-trong-bai-tho-song(dan-y)

II. Bài làm phân tích hình tượng Sóng
Nhà thơ Xuân Quỳnh có lẽ là nhà thơ nữ được nhiều độc giả yêu thích nhất trong văn học hiện đại. Những tác phẩm thơ của Xuân Quỳnh thường viết về đề tài tình yêu với những cảm xúc luôn dâng trào. Bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh là tác phẩm viết về tình yêu một cách êm đềm và giản dị nhưng thông qua hình tượng sóng tình yêu ấy vẫn hiện lên đầy mãnh liệt.

Sóng là hình tượng mang nhiều ý nghĩa, đó vừa là con sóng của tự nhiên lại vừa là con sóng của lòng người. Sóng và em tuy hai mà một, luôn song hành cùng với nhau trong tất cả các khổ thơ trong bài thơ Sóng. Hình tượng sóng trong bài thơ này cũng chính là hình ảnh tượng trưng cho nỗi khát khao hạnh phúc, tượng trưng cho khát vọng tình yêu mãnh liệt của người con gái. Có cô gái nào là không mong có được một tình yêu trọn vẹn.

Hình tượng sóng mang một âm điệu du dương lên bổng xuống trầm đúng như nhịp sóng vỗ. Đó cũng là lý do vì sao nhà thơ sử dụng thể thơ 5 chữ để viết bài thơ này. Nó thể hiện được đúng cái nhịp điệu tâm trạng của người con gái trong tình yêu. Con sóng ấy khi thì dữ dội, khi thì dịu êm, khi ồn ào lúc lại lặng lẽ. Cũng giống như người con gái trong tình yêu, tính cách có phần đối lập nhau trong cùng một chủ thể nhưng thật ra nó đúng với tâm trạng con người. Và dù là dữ dội hay dịu êm thì người con gái cũng như sóng luôn mang trong mình khát vọng tìm đến được tình yêu trọn vẹn, tìm một người có thể hiểu mình và đồng điệu với mình. Không phải bây giờ sóng với khát khao tìm ra biển lớn mà từ muốn đời trước đã vậy. Em cũng thế, dù là ngày xưa, ngày nay hay ngày sau thì trái tim cũng vẫn luôn khát khao hướng về tình yêu. Tuổi trẻ, sống là để yêu thương.

Hình tượng sóng vì vậy trở thành biểu tượng của hình ảnh người con gái. Nhà thơ Xuân Quỳnh đã đi tìm nguồn gốc của sóng với mong muốn tìm ra được nguồn gốc của tình yêu mà không thành. Lời thú nhận “Em cũng không biết nữa” đủ cho người đọc thấy nét dịu dàng, ngây ngô, chân thành mà sâu sắc của nhà thơ, của nhân vật em. Em không thể biết khi nào mình yêu nhau nhưng em biết được yêu là nhớ mong đối phương một cách khủng khiếp. Nỗi nhớ như con sóng cồn cào trong lòng. Nỗi nhớ ăn sâu vào tiềm thức, len lỏi cả vào trong những giấc mơ.

Hình tượng sóng thể hiện cho sự thủy chung của người con gái trong tình yêu. Sóng dù có bắt đầu từ đâu đi chăng nữa thì nó cũng tìm về để vỗ vào bờ mà chẳng gì có thể ngăn cản hay cách trở. Người con gái cũng vậy, dù ở cách xa người mình yêu cả ngàn phương trời xuôi ngược thì trái tim vẫn luôn hướng về một phương duy nhất đó chính là phương anh. Anh ở đâu, em sẽ hướng trái tim và tình yêu của mình về nơi ấy.

Cao hơn hết thảy, con sóng thể hiện cho nỗi khát vọng vươn tới một tình yêu vĩnh hằng. Nhận thức được sự hữu hạn của thời gian, nhà thơ muốn được tan ra thành trăm con sóng nhỏ để ở trong lòng đại dương bao la, ngàn năm vỗ về bờ cát, để được sống mãi mãi với tình yêu của cuộc đời mình. Con sóng lòng bé nhỏ mà mạnh mẽ đến vô chừng. Nó cho thấy sức mạnh tình yêu thật vô cùng khủng khiếp.

Thông qua hình tượng sóng, nhà thơ Xuân Quỳnh đã dốc cạn những tâm tư và cảm xúc của mình đối với tình yêu, thể hiện được sự sâu sắc của người con gái với mong ước giản dị nhưng cũng thật lớn lao.

Trên đây chúng ta đã cùng nhau lập dàn ý và phân tích hình tượng sóng. Hình tượng này có nhiều cái hay và nhiều điều để khai thác tùy thuộc vào cảm xúc của mỗi người. Các em hãy đọc tham khảo để có thể rút ra bài học cho riêng mình.

 

Phân tích hình tượng sóng trong bài thơ Sóng (Có dàn ý chi tiết)
5 (1) vote

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *