(Văn mẫu lớp 9) – Em hãy Phân tích tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ (Bài phân tích tác phẩm văn học của bạn Trần Thị Hồng Mỹ lớp 9A trường THCS Phạm Huy Thông).
BÀI LÀM
Văn học trung đại thường chọn chuyện đại sự quốc gia để gợi cảm hứng sáng tác. Riêng Nguyễn Dữ lại tìm về với những thân phận người phụ nữ cơ cực, nhọc nhằn, bất hạnh xã hội phong kiến. Tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ tiêu biểu cho điều đó.
Nguyễn Dữ người Hải Dương, là một danh sĩ thời Lê – Mạc, nổi tiếng với tác phẩm “Truyền kì mạn lục”. Tác phẩm là tập hợp những câu chuyện giàu màu sắc dân gian và yếu tố kì ảo, hoang đường, mang mong ước của Nguyễn Dữ về một xã hội công bằng, nhân văn, nhân ái.
“Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong số hơn 20 truyện ngắn của tác phẩm “Truyền kì mạn lục”, thể hiện rất rõ phong cách nghệ thuật và nhân cách, tư tưởng của Nguyễn Dữ.
>>>Xem thêm:
- Soạn bài Chuyện người con gái nam xương
- Phân tích giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo trong Chuyện Người Con Gái Nam Xương
- Trong vai Trương Sinh kể lại Chuyện người con gái Nam Xương
- Cảm nhận của em về nhân vật Vũ Nương trong tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương
Truyện ngắn “Chuyện người con gái Nam Xương” tập trung ngợi ca hình ảnh người phụ nữ trong xã hội phong kiến vừa có tâm hồn và thể chất đáng trọng vừa phải chịu số phận bất công, oan trái. Ở đó, Vũ Nương là đại diện.
Trước hết, ta có thể thấy nhân vật Vũ Nương đại diện cho chân dung người phụ nữ Việt Nam xinh đẹp, nết na, đảm đang, nhân hậu, giàu đức hi sinh. Nàng được giới thiệu là “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương”, “tính đã thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Chỉ vài chi tiết thôi, ta đã thấy một người con gái không chỉ đẹp người mà lại đẹp nết. Chính nét đẹp đôn hậu ấy mà Trương Sinh mến mộ Vũ Nương, cưới nàng về làm vợ. Vũ Nương còn là người vợ tốt, con dâu thảo và là người mẹ hiền. Vũ Nương không bao giờ để hai vợ chồng bất hòa. Khi chồng đi lính, Vũ Nương chăm sóc mẹ chồng như cha mẹ đẻ, lo ma chay tế lễ đầy đủ khi mẹ chồng khuất. Lúc sinh con đầu lòng, Vũ Nương một mình chăm sóc bé Đản. Sợ bé Đản thiếu cha sẽ tủi nên nàng chỉ vào cái bóng trên tường và nói đó là cha Đản.
Mặt khác, Vũ Nương sau ngòi bút của Nguyễn Dữ còn mang số phận và nỗi đau của kiếp hồng nhan nhưng mệnh bạc. Vũ Nương được gả vào nhà họ Trương với thân phận “gán nợ”. Nàng được trả giá trăm lạng vàng. Suốt thời gian ở nhà họ Trương, chưa khi nào nàng được hạnh phúc đoàn tụ trọn vẹn. Khi Trương Sinh đi lính trở về, nghe bé Đản con gọi cái bóng trên tường là “cha” đã đem lòng hoài nghi rồi đánh đuổi Vũ Nương. Mang nỗi oan ức khó phân trần, Vũ Nương rơi vào bước đường cùng phải gieo mình xuống sông tự vẫn. Lời oán “kẻ bạc mệnh này duyên hẩm hiu…” cũng là lời oán chung của bao người phụ nữ chế độ cũ.
Như vậy, từ việc phản ánh hiện thực cuộc đời Vũ Nương, Nguyễn Dữ đồng thời phản ánh chế độ xã hội bất công bạo tàn bấy giờ. Người phụ nữ trở nên rẻ rúng, dễ dàng bị chà đạp và đẩy vào bi kịch tự kết liễu để giải thoát. Mặt khác, đó cũng là tiếng nói tố cáo người đàn ông vũ phu, gia trưởng và thế lực bảo hộ cho những kẻ đó. Chi tiết Vũ Nương được Linh Phi cứu giúp và giải oan là chút “vớt vát” cuối cùng của Nguyễn Dữ, cũng là khao khát về một tương lai công bằng và tốt đẹp hơn.
Nói về đặc sắc nghệ thuật, truyện ngắn có cốt truyện độc đáo, mang nhiều chi tiết kì ảo nhưng lại giàu màu sắc văn học dân gian nên rất gần gũi, chân thật. Ngoài ra, tác phẩm cho thấy tài miêu tả diễn biến nội tâm nhân vật tài tình của tác giả. “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ vừa giàu tính nghệ thuật vừa có giá trị lịch sử lớn lao.