(Văn mẫu lớp 11) – Anh (Chị) hãy Phân tích vẻ đẹp nhân vật Huấn Cao trong Chữ Người Tử Tù của Nguyễn Tuân
Đề bài: Phân tích vẻ đẹp hình tượng nhân vật Huấn Cao
BÀI LÀM
Nguyễn Tuân là một trong những nhà văn tài hoa trong nền văn học Việt Nam. Tên tuổi của ông được gắn bó với tác phẩm Chữ người tử tù được in trong tập “ Vang bóng một thời” năm 1940 bên cạnh những tác phẩm khác như “ Chiếc lư đồng mắt cua, Chùa Đàn”…Nổi bật trong tác phẩm Chữ người tử tù là hình tượng nhân vật Huấn Cao với những nét tài hoa khí phách hơn người khiến độc giả không thể nào quên.
Lấy hình mẫu từ cụ Cao Bá Quát, Nguyễn Tuân đã xây dựng nên nhân vật Huấn Cao – họ Cao là một lãnh tụ nông dân chống chiều Nguyễn năm 1854 mang trong mình rất nhiều tài năng và nhân cách sáng ngời.
Người anh hùng thời loạn lạc Huấn Cao nổi bật lên cùng khí phách hiên ngang, tài hoa uyên bác, chữ tài chữ đức đều trọn vẹn.Huấn cao trước hết là một người có tài viết thư pháp. Người đời chẳng thường nói, qua chữ viết có thể đánh giá tính cách của mootjj con người. Cái tài viết chữ của ông còn được thể hiện qua đoạn đối thoai giữa viên quản ngục và thầy thơ lại. Chữ của huấn cao rắn chắc, vuông vức thể hiện chính tâm thế con người của ông. Ngay cả tên cai ngục là người đang nắm giữ tự do, có quyền hành đối với sinh mạng của Huấn cao cũng phải gục ngã trước khí thế nét chữ của Huấn Cao. Hắn nâng niu, xem trọng như “ một báu vật trên đời”. Báu vật thì chỉ có những người có tài năng xuất chúng hơn vạn người trong thiên hạ mới có thể nắm giữ. Chắc hẳn, chữ của Huấn cao đẹp đến vậy thì nhân cách của ông cũng chẳng thể thua kém.
Huấn Cao mang chút phong cách ngạo nghễ, oai phong lẫm liệt của một bậc trượng phu. Những kẻ theo học đạo Nho thường thể hiện lòng trung quân một cách mù quáng, nhưng trung quân mà lại để những phận “ dân đen con đỏ” vẫn phải sống trong cảnh lầm than thì lại hóa ra tội đồ. Ông gạt bỏ mọi mặc cản của xã hội để đấu tranh giành quyền sống cho những người dân vô tội. Để rồi, chính ông bị triều đình bấy giờ tước đi quyền sống của mình. Huấn Cao bị xem là giặc cỏ, kẻ tội đồ nhưng ông biết, trong lòng nhân dân ông là “ thánh cứu nhân”, anh hùng bất khuất , một kẻ ngang tang “ chọc trời khuấy nước” sống ngoài vòng cương tỏa, lẫy lừng. ông gạt bỏ nhưng ước vọng cá nhân để hướng tới cứu sống những con dân lầm than. Thật là một phẩm chất đáng quý, đáng khen tới muôn đời.
Dù phải giam mình trong lao nhưng song sắt chốn ngục tù cũng chẳng thể ngăn nổi hào khí của ông. Bị giam cầm về thể xác nhưng ông vẫn hoàn toàn tự do bằng hành động “ dỡ cái gong năm tám tạ xuống nền đá tảng đánh huỳnh một cái” và “ lãnh đạm” không thèm đếm xỉa đến tên lính quèn áp giải. Đối với ông, chúng chẳng đáng để ông phải để ý bởi đó là “ một lũ tiểu nhân thị oai”. Ngang tàng bất chấp chốn luật pháp của một xã hội thối nát, ông thản nhiên nhận rượu thịt ăn uống no say như trong chốn ngân gian. Người anh hùng ấy cho dù thất thế nhưng uy lực của mình thì chẳng thể nào bị xóa mờ.
Đặc biệt hơn nữa, phong cách nói chuyện của Huấn cao và tên cai ngục càng thể hiện rõ nét tính cách của ông. Cách xưng hô “ ngươi-ta” đã thiết lập ngay một mối quan hệ trên dưới rõ ràng.” Ngươi bảo ta cần gì, ta chỉ cần ngươi đừng đặt chân vào đây nữa”. Cách trả lời đầy trịch thượng của ông khiến người đọc hiểu rõ rằng: lòng người ngay thẳng, sống cho trọn vẹn đạo đức thì có chết cũng không hối tiếc. Thế nhưng khi ông biết được câu chuyện cuộc đời của viên quản ngục, Huấn cao đã vui vẻ nhận lời cho chữ ngay. Mặc dù giữa hắn và Huấn cao là hai người ở hai thế giới chẳng thể dung hòa, nhất là ông là người có ý thức giữ gìn cái đẹp “ Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà ép mình viết câu đối bao giờ”. Thế nhưng, với một kẻ biết yêu cái đẹp như tên quản ngục, chỉ vì bị xã hội xô đẩy, “ đem đày ải những cái thuần thiết vào giữa một đống cặn bã”, thì với tấm lòng sáng như gương của Huấn cao, ông liền tặng chữ cho người thầy quản. Hành động ấy cho thấy con người ông còn biết nhìn sâu hiểu biết, biết nâng niu những kẻ tầmthường lên ngang hàng với mình
Cảnh cho chữ ấy cũng thật diệu kì, một con người gông xích đầy người đang “ dậm to từng nét chữ trên vuông lụa bạch trắng tinh với tư thế ung dung, hiên ngang. Trong khi kẻ có chút quyền hành lộng quyền kia thì đứng cạnh, khúm núm với chút xúc động. Những nét chữ ấy cũng là chút nét chữ cuối cùng ông có thể để lại cho đời. Một con người tài hoa lẫm liệt chỉ mới cho chữ ba lần đã phải vội kết thúc cuộc đời bởi những kẻ thấp hèn ngu dốt. Hình ảnh ấy khiến người đọc càng xúc động, thấm thía nỗi mất mát của cuộc đời khi những người tài năng ấy lại phải chịu cảnh tài hoa bạc mệnh. Thế rồi, ông Huấn còn khuyên viên quản ngục như một người thân quen chân thành: “ Tôi bảo thực thầy quản nên về quê ở đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. ở đây khó giữ được thiên lương cho lành vững rồi cũng có ngày nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi”.
Cũng như những mảnh đời bất hạnh xuất hiện trong truyện ngắn của Ngô tất Tố, Nam cao, những con người lương thiện rồi cũng bị tha hóa, nhem nhuốc bởi chế độ xã hội, Vì thế, Huấn Cao tin rằng cái đẹp sẽ chẳng thể nào ở chung với cái xấu được. “ gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, con người chỉ có thể tron vẹn thưởng thức cái đẹp khi tâm trong sáng, tính cách cao thượng mà thôi. Nguyễn Tuân tin chắc rằng, một con người như Huấn Cao sẽ vẫn luôn tỏa sáng dù trong bất cứ khung cảnh nào, khí chất , ánh sáng và chân lý cuộc đời sẽ vẫn luôn chiến thắng những điều đen tối. Huấn Cao sẽ không chết mà ông sẽ đi tới một nơi khác để đem lại lẽ sống cho mọi người.
"Chữ người tử tù " đã chứa đựng một hình ảnh nhân vật tuyệt đẹp cùng tình huống truyện độc đáo. Con người ta thân sinh đều rất hiền lành lương thiện, chỉ trách hoàn cảnh xã hội có thể đưa đẩy cuộc đời. Nguyễn Tuân đã thành công sử dụng một loạt từ Hán việt đắt giá để vẽ nên tính cách, hình ảnh của Huấn Cao đi vào lịch sử. Có bi có thiện, có hào hùng ngang tàng nhưng vẫn rất đỗi gần gũi. Huấn Cao sẽ mãi đi vào lòng người đọc cho dù hôm nay và mãi về sau.