Home / VĂN MẪU THPT / Văn mẫu lớp 12 / Suy ngẫm về hình tượng nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ

Suy ngẫm về hình tượng nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ

(Văn mẫu lớp 12) – Suy ngẫm về hình tượng nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ trong chương trình văn học lớp 12. ( Bài làm được 9 điểm).

Đề bài: Trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, song song với nhân vật Mị, Tô Hoài cũng đã xây dựng thành công hình tượng nhân vật A Phủ. Anh/chị có suy ngẫm gì về nhân vật này?

Bài làm

    Nếu ai từng một lần đến với Tây Bắc, đến với những bản làng hiền hòa chìm trong sương, đến với những phong cảnh núi rừng hùng vĩ trữ tình, đến với cuộc sống tươi vui của những đứa con nơi núi rừng hẳn không nghĩ rằng, những con người nơi đây từng khổ cực tram bề. Cảnh đói nghèo cơ cực cùng sức nặng cường quyền và thần quyền đè nặng lên đôi vai những số phận bé nhỏ. Nhưng đằng sau tất cả vẫn là sức sống mãnh liệt, mạnh mẽ. Và Tô Hoài đã phản ánh những điều ấy qua hình tượng nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ chồng A  Phủ.

   Vợ chồng A Phủ là một trong những sáng tác xuất sắc nhất làm nên tên tuổi nhà văn của núi rừng Tây Bắc. Thành công của Tô Hoài trong việc phản ánh chân thực cuộc sống, khát vọng của con người Tây Bắc không chỉ qua việc xây dựng hình tượng nhân vật Mị mà bên cạnh số phận người con gái Mèo ấy, hình tượng A Phủ – chàng trai vùng cao cũng để lại trong lòng người những day dứt, những ám ảnh. Cũng giống như khi kể về cuộc đời của Mị, Tô Hoài đã tái hiện cuộc đời nhân vật theo dòng thời gian hồi tưởng thì đến A Phủ, ông cũng để nhân vật xuất hiên trong hoàn cảnh bị bắt về phạt vạ ở nhà Thống lí Pá Tra. Để từ đó, đi sâu khắc họa hình ảnh, số phận nhân vật. Theo dõi những tình tiết về cuộc đời A Phủ, tôi càng thấu hiểu hơn những đau khổ, những bất công mà những con người hiền lành nơi đây phải cam chịu dưới chế độ cường quyền miền núi trước giải phóng.

suy-ngam-ve-hinh-tuong-nhan-vat-a-phu-trong-tac-pham-vo-chong-a-phu

Đọc Vợ chồng A Phủ, tôi cứ ngỡ cảnh sống của Mị đã là nghèo hèn, cơ cực vậy mà khi A Phủ xuất hiện, tôi chợt hiểu rằng nơi đây còn biết bao cảnh đời cay đắng, đau khổ. Nếu Mị còn có một người cha làm điểm tựa tinh thần, còn có mái nhà nghèo nàn che mưa che nắng, còn đã có một quá khứ tươi đẹp thì cuộc đời A Phủ chỉ là hay bàn tay trắng và màu xám xịt u buồn. A Phủ lớn lên trong hoàn cảnh bơ vơ, cô độc: A Phủ mất cả cha và mẹ trong một trận đậu mùa khủng khiếp, từ nhỏ anh đã phải nếm trải chịu kiếp sống bơ vơ, không nơi bám víu. Đau đớn hơn, đứa trẻ mồ côi ấy còn bị coi như một món hàng. Trong nạn đói trên chính quê hương mình, “người làng đói bụng đã bắt A Phủ đưa xuống bán đổi lấy thóc của người Thái ở dưới cánh đồng”. Vậy là đến quyền được sống trên quê hương mình, A Phủ cũng bị tước đoạt. Thử hỏi còn ai đáng thương hơn thế nữa! Cũng thử hỏi có ai nghèo hơn A Phủ. Tài sản duy nhât của anh chỉ là “ một chiếc vòng vía lằn trên cổ”. Hoàn cảnh của A Phủ đem lại cho người đọc nỗi thương tâm sâu sắc về số phận con người đơn độc, nghèo khổ của xã hội.

Thế nhưng cũng giống như Mị, như bao người vùng cao khác vượt lên hoàn cảnh sống thiếu thốn của mình, A Phủ đã hình thành biết bao tính cách tốt đẹp. Từ con người này toát lên bản chất cần cù, chăm chỉ của người dân lao động miền núi chất phác, trung hậu. Một mình kiếm sống , học hỏi đủ thứ nghề “biết đúc lưỡi cày lại cày giỏi và đi săn bò tót cũng rất bạo”. Anh đã vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống để trở thành một người lao động chân chính. Khi lớn lên, chàng trai mồ côi không chỉ hiền lành, lao động giỏi mà còn có sức khỏe hơn người “ Công việc làm hay đi săn cái gì cũng làm phăng phăng”  và “A Phủ chạy nhanh như ngựa”. Tô Hoài đã viết về nhân vật bằng tất cả thái độ đồng cảm và yêu thương nhất. Nhưng tính cách làm nên vẻ đẹp nhân vật và gợi lên trong tôi ấn tượng về A Phủ đặc biệt nhất đó chính là một con người nghèo khổ mà vẫn sống đời sống tâm hồn phóng khoáng , hồn nhiên, yêu đời, yêu chính nghĩa và đầy dũng cảm. Đang tuổi thanh niên, như bao chàng trai khác, A Phủ cũng cùng trai làng đem khèn, sáo, đem con quay, quả pao,… đi chơi xuân, mặc dù anh chẳng có dù chỉ là một bộ quần áo mới. Đó là niềm lạc quan yêu đời của tuổi trẻ, khát khao có được tình yêu của chàng thanh niên lương thiện. Nhưng số phận cũng chẳng dành đặc ân ấy cho A Phủ. Dù dân làng thường kháo nhau “ Ai có được A Phủ cũng bằng có được con trâu tốt trong nhà. Chẳng mấy lúc mà giàu”. Song thực tế chẳng ai dám lấy A Phủ. Thế nhưng, A Phủ vẫn hân hoan đi chơi Tết với niềm khát khao nhiệt thành, sức sống của tuổi trẻ. Dù nghèo khổ, nhưng chàng trai ấy luôn biết yêu chính nghĩa, biết phân biệt đúng sai, biết bất bình, phản kháng một cách táo bạo trước sự lộng hành, cậy quyền của bọn con nhà giàu. Dẫu biết A Sử là con quan nhưng trong thái độ bất bình “ A Phủ chạy vụt ra, vung tay ném con quay vào mặt A Sử” , “ A Phủ xộc tới, nắm cái vòng cổ, kẹp dập đầu xuống, xé vai áo đánh tới tấp”. Hành động dữ dội của chàng trai nghèo khổ đó có nguyên nhân sâu xa từ mối hận thù giai cấp, từ sự phẫn nộ, bất bình, trước cảnh trái ngang, phi lí trong cuộc đời. Song song với hình tượng Mị, vẻ đẹp của chàng trai này một lần nữa cho tôi hiểu hơn phẩm chất tốt đẹp của con người vùng cao và sự am hiểu, thương yêu của Tô Hoài với con người nơi đây.

Loading...

Thế nhưng bóng đen của hủ tục lạc hậu, sự lộng hành của thế lực phong kiến miền núi mà tiêu biểu là cha con Thống lí Pá Tra đã tạo nên sự ám ảnh ghê gớm với cuộc sống những con người lương thiện nơi đây. Cũng như cuộc đời Mị, chàng trai A Phủ sôi nổi, yêu đời là thế, con người với những phẩm chất tốt đẹp là thế vậy mà cũng trở thành nô lệ cho nhà Thống lí Pá Tra. Nếu Mị bị coi là vật thế chấp cho một nương ngô mà cha mẹ cô vay nợ nhà Thống lí thì  A Phủ phải làm thân trâu ngựa để trừ nợ 100 đồng bạc trắng – món nợ xuất phát từ một quy định phi lý: lệ phạt vạ tồn tại biết bao đời trên mảnh đất vùng cao. Chàng thanh niên đáng thương đã trở thành nạn nhân của thế lực thần quyền và cường quyền nơi đây. Người đọc thực sự bị ám ảnh trước hình ảnh A Phủ bị trói như một con vật, bị người ta khiêng rồi vứt huỵch xuống sàn nhà, ám ảnh bởi A Phủ “ Quỳ trước nhà giơ lưng cho người ta thi nhau đánh đập, hành hạ”. Thân phận của con người thật chẳng bằng loài vật. Cảnh người nhà Thống lí thay nhau đánh A Phủ là quang cảnh phơi bày rõ nhất tội ác man rợ, phi lý của thế lực phong kiến vùng cao. Cuộc sống của những người dân đáng thương ấy có tội ác dã man đến vô lý, có sự áp bức, bóc lột của giai cấp thống trị, có cả những nghèo khổ, cơ cực phải gánh trên vai trăm thứ phi lí, nặng nề. Ám ảnh hơn trước một A Phủ tập tễnh trong nỗi đau vừa bị đánh đập, cầm con dao đi thịt lợn hầu những kẻ vừa phạt vạ mình. Vậy là dưới sức nặng của thần quyền, của cường quyền, của bữa cúng ma nhận mặt người vay nợ, A Phủ thực sự trở thành thân trâu ngựa cho nhà Thống lí. 

Dưới sự cai trị của cha con nhà Thống lí, chàng thanh niên sôi nổi, yêu đời đã trở thành con người nhẫn nhục, cam chịu, A Phủ cứ lặng lẽ, lủi thủi ngoài bìa rừng “Cày ruộng, cuốc nương, săn bò tót, bẫy hổ, trăn ngựa quanh năm một thân một mình dong duổi ngoài gò bãi, nương rừng”. Thậm chí là nhẫn nhục đến mức “ Chuẩn bị nào cọc, nào dây trói” để người ta trói mình vào đó. Một sự nhẫn nhục mà Tô Hoài đã ví “như con trâu đã đóng lên tròng”. Một thân phận bị nhà Thống lí coi như cỏ rác, tính mạng A Phủ chỉ được tính bằng một con bò trong nhà Thống lí do anh vô ý để hổ ăn thịt. A Phủ bị trói trong đói rét, đau đớn, hành hạ trong khi nhà Thống lí “kẻ ra người vào tấp nập”. Nhưng chẳng ai them để ý đến sinh mạng của kẻ tôi đòi ấy. Nếu không có Mị, A Phủ sẽ cứ “bị trói ở đấy cho đến chết, chết đau, chết đói, chết rét”. Thật đau xót biết nhường nào!

Có thể nói, cùng với Mị, số phận A Phủ là ví dụ điển hình cho cuộc sống của những chàng trai, cô gái vùng cao trong cảnh đời nô lệ. Tô Hoài cảm nhận sâu sắc nỗi thống khổ ấy. Cảnh đời của con người nơi đây còn đau đớn, tủi cực hơn cả chị Dậu, anh Pha ở miền xuôi. Ngòi bút Tô Hoài bộc lộ thái độ căm phẫn, lời lên án gay gắt các thế lực cường quyền và thần quyền đã dồn nén cuộc đời người dân lương thiện đến bước đường cùng. Cảnh đời của Mị và A Phủ đã tái hiện lại không khí ngột ngạt của cuộc sống người dân miền núi dưới chế độ xã hội cũ.

Tuy vậy, bằng tình cảm yêu thương trân trọng, bằng sự am hiểu tường tận của mình về đời sống nội tâm con người miền núi, nhà văn Tô Hoài vẫn khám phá được khát vọng sống mạnh mẽ trong tâm hồn A Phủ. Khi đối diện với ranh giới giữa sự sống và cái chết, thực cảnh bị trói đến chết, khát khao sống bừng dậy mạnh mẽ trong lòng A Phủ. Với tình yêu cuộc sống và sự gan góc vốn có, A Phủ không cam chịu cái chết mà tìm mọi cách giải thoát mình “ Đêm đến, A Phủ cúi xuống nhay đứt 2 vòng mây, nhích dần dây trói một bên tay”. Niềm ham sống đã chiến thắng nỗi sợ hãi, đã chiến thắng cả thái độ nhẫn nhục, cam chịu bấy lâu trong lòng A Phủ. Người đọc không quên được hình ảnh “ một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má xám đen lại của A Phủ”. Những giọt nước mắt đau đớn tuyệt vọng của con người ham sống, khát khao sống nhưng phải đối diện với cái chết đang đến dần mà bế tắc, tuyệt vọng. Lòng ham sống ấy càng mãnh liệt hơn khi Mị cắt dây trói cho A Phủ : Nỗi đau thể xác sau nhiều đêm bị trói, bị đánh, bị hành hạ khiến anh quỵ xuống khi vòng dây trói mở ra, nhưng bằng sức mạnh, bằng khát khao tự do mãnh liệt, anh lại vùng dậy và quật chạy. Nỗi đau thể xác, nỗi ám ảnh trước sức mạnh thần quyền và cường quyền không còn nữa. Trước mắt A Phủ lúc này chỉ có sự vẫy gọi tha thiết, sự thúc giục của 2 tiếng TỰ DO. Với những am hiểu sâu sắc của mình về đời sống tâm lý vùng cao, Tô Hoài đã phát hiện những vận động, chuyển biến trong ý thức phản kháng, đấu tranh của người dân miền núi: từ cam chịu đến đấu tranh tự phát, để rồi khi gặp ánh sáng của Cách mạng, nó đã trở thành ý thức đấu tranh tự giác. Chính những con người như A Phủ đã đi theo Cách mạng trở về đấu tranh giải phóng bản làng, quê hương. Đấy là sự vận động tất yếu trong đời sống tinh thần của nhân vật, bộc lộ niềm tin tưởng sâu sắc của nhà văn về khả năng tự đổi đời của những người dân chất phác, mộc mạc nơi này.

Dù chỉ xuất hiện qua một đoạn văn ngắn nhưng nhân vật A Phủ đã để lại trong tâm hồn tôi dấu ấn khó quên. Một cuộc đời, một tính cách chân thực, sinh động đã góp phần làm nên bức tranh toàn diện, sâu sắc của nhà văn Tô Hoài khi đi vào phản ánh cuộc sống xã hội vùng cao. Cũng như hình tượng Mị, qua nhân vật A Phủ, người đọc cảm nhận được tài năng nghệ thuật bậc thầy cùng những vốn thực tế sâu sắc làm nên thành công trong sáng tác của Tô Hoài.

    Song song với hình tượng Mị, cuộc đời và tính cách của A Phủ có ý nghĩa tiêu biểu cho số phận, phẩm chất của người dân vùng Tây Bắc. Từ trong bóng tối của cuộc đời đau khổ và tủi nhục, họ đã vươn đến ánh sáng rực rỡ của nhân phẩm và tự do, ánh sáng của Cách mạng. Đó cũng chính là những giá trị nhân đạo mới mẻ, sâu sắc của tác phâm giàu chất thơ này.

Suy ngẫm về hình tượng nhân vật A Phủ trong tác phẩm Vợ Chồng A Phủ
3.5 (2) votes
Loading...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *