(Văn mẫu lớp 12) – Cảm nhận của anh (chị) về nhân vật chú Năm trong tác phẩm “Những đứa con trong gia đình” ( Nguyễn Thi) và cụ Mết trong “Rừng xà nu” ( Nguyễn Trung Thành)
Đề bài: Cảm nhận về nhân vật cụ Mết và chú Năm
Bài làm
Cuộc kháng chiến chống Mỹ qua đi để lại biết bao đau thương, mất mát, hi sinh, nhưng cũng trở thành nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, nhà văn sáng tạo ra những tác phẩm ca ngợi lòng yêu nước, quả cảm của người dân Việt Nam. Trong vô vàn tác phẩm ấy, nổi bật hơn cả là “Những đứa con trong gia đình” của Nguyễn Thi và “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Nếu nhiều bạn đọc ấn tượng trước tinh thần yêu nước, dũng cảm của hai chị em Chiến, Việt, hay khâm phục sức mạnh, lòng trung thành của Tnú, thì tôi lại thích nhân vật chú Năm và cụ Mết. Tuy không phải là nhân vật trung tâm nhựng sự xuất hiện của chú Năm và cụ Mết lại quan trọng hơn cả.
Trước tiên là cụ Mết trong “Rừng xà nu”. Dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Trung Thành, cụ Mết hiện ra như một “cây xà nu lớn”- uy nghi, rắn rỏi, dáng người “quắc thước”, “râu dài tới ngực”, “mắt sáng và xếch ngược”, “vết sẹo ở má phải vẫn láng bóng”. Cụ Mết đã ngoài 60 nhưng ngoại hình của cụ không khắc họa hình ảnh một ông cun già lưng còng râu bạc hiền từ như ta thường biết, cụ Mết lại mang ngoại hình của một vị trưởng làng mạnh mẽ, của một chiến binh già dũng cảm, của một “cây xà nu” lớn hiên ngang, vững chắc che chở cho cả ngôi làng Xô Man. Khi Tnú đi chiến đấu được về làng một đêm, chính vị trưởng làng già đáng kính ấy đã chào đón, chăm sóc Tnú, đã động viên anh lực lượng bằng lời khen khi ông vừa ý nhất: “Được”. Đó là tấm lòng bao la của cụ Mết, ông không chỉ tự hào vì ngôi làng nhỏ bé của mình đã gửi vào quân đội một chiến sĩ quả cảm, trung thành như Tnú mà còn thể hiện lòng tự hào, tình yêu thương của một người ông đối với đứa cháu, đứa con của mình. Cụ Mết chính là người đã chứng kiến cuộc đời của Tnú, đã kể về cuộc đời đầy chiến công nhưng cũng nhiều đau thương ấy cho các thế hệ hiện tại tương lai noi theo, học tập. Cụ Mết nói như ra lệnh: “Người Strá ai cũng có cái tai, ai cũng có cái bụng thương núi, thương nước hãy lắng nghe, nhớ. Sau nay tai chết rồi, chúng mày phải kể lị cho con cháu nghe”. Có thể nói , cụ Mết đóng vai trò vô cùng quan trọng trong “Rừng xà nu”. Cụ chính là điểm nhìn trần thuật của tác giả, giúp tác giả khắc họa lại cuộc đời của người anh hùng Tnú một cách khách quan chính xac và sinh động nhất. Không những vậy, tôi còn vô cùng ấn tượng trước cảnh cụ Mết chỉ huy toàn bộ dân làng đứng lên chống lại bọn phản Cách mạng, cứu sông Tnú khỏi tay giặc với khẩu lệnh rắn rỏi: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Có nhiều ý kiến cho rằng, Nguyễn Trung Thành đã sáng tạo nhân vật cụ Mết chỉ để kể về cuộc đời Tnú. Nhưng tôi không cho là vậy. Cụ Mết không chỉ là nguồn động lực, là quê hương, là điểm tựa vững chắc trong tâm hồn Tnú, mà còn là người gìn giữ câu chuyện cuộc đời Tnú, lưu truyền nó như bài học về lòng trung thành, dũng cảm. Những cây xà nu con như Tnú được cụ Mết chở che, cho khôn lớn, nuôi dạy, cho ý chí sắt thép,trở thành những cây xà nu trưởng thành, rồi cả rừng xà nu như thế sẽ bao phủ dải đất Tây Nguyên, bảo vệ lãnh thổ đất nước Việt Nam dấu yêu. Tóm lại, đọc “Rừng xà nu” mà chỉ nhớ về Tnú, quên đi cụ Mết thì vẫn chưa tính là thấu hiểu tác phẩm này.
Nhân vật cũng gây ấn tượng không kém là chú Năm trong “Những đứa con trong gia đình”. Nguyễn Thi không miêu tả ngoại hình chú Năm, cũng không dành nhiều đất cho nhân vật xuất hiện. Bạn đọc biết về chú Năm chỉ gói gọn trong hai nội dung chính: là người lớn tuổi duy nhất còn lại trong một gia đình truyền thống Cách mạng, chú của hai chị em Chiến, Việt và là một cựu chiến binh. Nhưng từng ấy cũng đủ để tôi hình dung về chú Năm. Từ việc chú Năm sẵn sàng xin cho hai cháu đi tong quân đến việc dn dò hai cháu nếu bỏ về thì sẽ chặt đầu đều cho thấy chú Năm là một cựu chiến binh quả cảm, thẳng thắn và yêu nước, trung thành với Cách mạng. Không còn đủ khả năng tự mình cầm súng diệt giặc, chú Năm trở thành hậu phương, thành chỗ dựa vững chắc cho hai đứa cháu. Chú Năm trở thành hậu phương, thành chỗ dựa vững chắc cho hai đứa cháu. Chú Năm chăm sóc thằng Ú tem, chăm sóc ruộng mía, trông coi bàn thờ má cho chị em Chiến, Việt yên lòng lên đường hành quân diệt giặc. Nếu không có chỗ dựa là chú Năm, liệu chị em Chiến, Việt có đủ yên lòng lên đường hành quân diệt giặc, đủ yên lòng bỏ mặc nhà cửa, bàn thờ má hay đứa em còn nhỏ lị một mình? Chiến thắng vẻ vang mà ta dành được không chỉ dựa vào sức các chiến sĩ mà còn là cả hậu phương phía sau, dựa vào những người như chú Năm. Cứng rắn là vậy nhưng ngày hai cháu chính thức lên đường, chú Năm vẫn khóc, “đưa mấy ngón tay cứng còng chùi nước mắt”. Hơn ai hết, chú Năm hiểu, một khi đã vào chiến trường, trở về được hay không thật khó nói. Nhưng chú không muốn thể hiện sự lo lắng ấy, chú chỉ cười và động viên hai chị em bằng cách giao sổ gia đình cho hai cháu, hứa sẽ ghi chiến công từng ngày của hai chị em vào đó. Như sợ chưa đủ, chú Năm cất lời hò, “câu hò cất nổi lên giữa ban ngày nhắn nhủ, tha thiết, cuối cùng ngắt lại như một lời thề dữ dội”. Lời hò của quê hương ấy sẽ theo hai chị em Chiến, Việt vào chiến trường, sẽ vực dậy họ lúc gian khổ, tiếp thêm sức mạnh quyết tâm chiến đấu, sẽ nhắc cho hai chị em yên tâm rằng ở nhà, đã có chú Năm lo liệu mọi việc, nhắc rằng hai chị em là niềm tự hào tiếp theo của một gia đình truyền thống Cách mạng. Có thể nói, nhân vật chú Năm không nổi bật nhưng lại là mạch ngầm xuyên suốt tác phẩm, mang nhiều ý nghĩa không thể thiếu.
Chú Năm và cụ Mết có rất nhiều nét tương đồng khi đem so sánh với nhau. Họ đều là những người của thế hệ trước, tuổi đã cao nhưng sức không yếu. Họ đại diện cho cả một lớp người đi trước mang trong mình những bài học kinh nghiệm quí báu và sự từng trải. Cụ Mết và chú Năm xuất hiện trong hai tác phẩm khác nhau nhưng dường như có chung mọi hành động. Nếu cụ Mết là người định hướng lý tưởng sống cho Tnú thì chú Năm ủng hộ hai cháu tòng quân, nếu cụ Mết nhớ như in cuộc đời anh hùng Tnú, kể lại cho thế hệ sau như hình thức lưu giữ truyền thống, thì chú Năm có cuốn sổ gia đình, nơi ông sẽ viết tiếp những chiến công của Chiến và Việt, nối dài những chiến công của thế hệ trước, nếu cụ Mết như quê hương, như người thân chào đón, săn sóc khi Tnú về làng thì chú Năm cũng chính là hậu phương vững chắc nhất, coi sóc toàn bộ việc gia đình cho hai cháu yên tâm đánh giặc. Có lẽ, cụ Mết và chú Năm giống nhau đến vậy vì họ đều đại diện cho một thế hệ cha ông anh hùng, lúc trẻ cầm vũ khí chiến đấu, khi già lại trở thành hậu phương. Tuy nhiên: “Mỗi người đều có một vân tay, mỗi nhà văn cũng có một vân chữ riêng biệt”., cụ Mết và chú Năm vẫn có nhiều khác biệt. Cụ Mết là trưởng làng Xô Man nơi rừng núi Tây Nguyên, không trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường, chỉ có vũ khí thô sơ như giáo, mác nhưng cụ vô cùng uy nghiêm dũng mãnh. Còn chú Năm là một cựu chiến binh từng dũng cảm chiến đấu ngoài mặt trận, trực tiếp đối mặt với quân địch, chú Năm bộc trực, thẳng thắn- nét tính cách quen thuộc của người dân Nam Bộ. Cụ Mết là trưởng một ngôi làng kháng chiến, chú Năm là chủ một gia đình Cách mạng. Hai con người, hai số phận được đặt vào hai tác phẩm nhưng vẫn có điểm tương đồng mà không mất đi nét khác biệt, tạo nhiều liên tưởng so sánh thú vị, từ đó, thấy rõ hơn tài năng viết truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi.
“Rừng xà nu” và “Những đứa con trong gia đình” xứng đáng là hai truyện ngắn tiêu biểu cho thời kì kháng chiến chống Mĩ. Đọc truyện, bạn đọc không chỉ biết thêm về những tấm gương anh hùng như Tnú, những thế hệ trẻ sớm có lòng quyết tâm trả thù nhà nợ nước như Chiến, Việt, mà còn thấy rõ hơn hậu phương vững chắc đằng sau mỗi bước hành quân của những con người ấy: cụ Mết và chú Năm. Nguyễn Thi và Nguyễn Trung Thành không hẹn mà gặp cùng xây dựng hình tượng cụ Mết và chú Năm với nhiều nét tương đồng xen giữa sự khác biệt. Chính điều độc đáo ấy đã gợi nhiều liên tưởng, so sánh để qua đó, bạn đọc thêm hiểu hơn về tác phẩm, tác giả, đồng thời biết ơn một thế hệ cha ông đã chiến đấu dũng cảm vì hòa bình hôm nay.