(Kenhvanmau.com) – Anh(Chị) hãy phân tích hình tượng Người Lái Đò Sông Đà. (Bài làm văn của học sinh giỏi lớp 12 trường THPT Bình Giang – Hải Dương).
Đề bài: Anh (Chị) hãy phân tích hình tượng người lái đò sông Đà trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” của nhà văn Nguyễn Tuân.
BÀI LÀM
Tùy bút “Người lái đò sông Đà” được in trong tập Sông Đà (1960) của nhà văn Nguyễn Tuân là kết quả nhiều lần nhà văn đến với Tây Bắc trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Nguyễn Tuân đến với mảnh đất Tây Bắc không phải để thỏa mãn “cơ hội giang hồ” mà ông chủ yếu đi tìm cái đẹp, cái thứ vàng mười nơi khuất nẻo ngọn nguồn Tổ quốc, ấy chính là hình tượng người lái đò trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, tiêu biểu cho hàng vạn những người lao động thầm lặng trên mọi miền đất nước vô danh mà tài hoa, trí dũng.
Tùy bút Sông Đà tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật độc đáo của Nguyễn Tuân: tài hoa, uyên bác, phóng túng. Để độc giả hình dung và khám phá vẻ đẹp của người lái đò trên sông Đà, Nguyễn Tuân đã không quản nhọc nhằn cố gắng khai thác mọi giác quan và sử dụng khả năng liên tưởng phong phú để miêu tả con người nhằm đem đến cho người đọc những câu chữ xác đáng nhất làm lay động tâm hồn.
Kiếm tìm những vẻ đẹp tài hoa, Nguyễn Tuân đã không ngừng “xê dịch” để tìm thứ vàng mười còn tiềm ẩn, và khi đến với mảnh đất Tây Bắc thân yêu và cũng đầy đau thương của dân tộc ông đã tìm thấy thứ vàng ấy ở hình tượng người lái đò trên sông Đà.
Người lái đò trên sông Đà được nhà văn xây dựng như một nghệ sĩ trí dũng tuyệt vời chèo đò vượt thác. Cái tài hoa của người lái đò ở chỗ nắm chắc từng đặc điểm của con sông, hiểu được quy luật của dòng nước, nhớ từng con thác và xoáy nước, những luồng sinh – tử… Cái tài hoa được kết hợp với sự linh hoạt, thông minh, gan dạ trong trận đồ bát quái, vượt qua bao con thác cho thấy được sự trí dũng và cũng rất nghệ sĩ, rất bình thản, ung dung….
Những con người tài hoa, trí dũng và đầy chất nghệ sĩ trong những trận đồ bát quái trên sông Đà được ví với thứ vàng mười đơn giản là những lái đò nghèo khổ, là nhân vật không tên, khuôn mặt in hằn dấu vết khắc nghiệt của công việc chèo thuyền vượt thác gian nan, hiểm nguy. Vậy tại sao Nguyễn Tuân lại không đặt một cái tên cụ thể cho nhân vật? Bởi những người lái đò ấy là đại diện tiêu biểu cho con người Việt Nam âm thầm, cần mẫn trong cuộc sống lao động, mưu sinh phải chiến đấu với những cuộc chiến không cân sức. Dẫu vậy, họ vẫn luôn giữ chặt mái chèo, chân kẹp chặt cuống lái như một dũng tướng, bình tâm, dũng cảm và mưu trí, táo bạo trước những con quái vật khổng lồ.
Miêu tả cuộc giao tranh giữa người lái đò tài hoa, trí dũng với dòng sông hung bạo Nguyễn Tuân đã dùng sức mạnh ngôn từ truyền hồn sống vào từng khối đá cái linh động của ma quái, biến chúng thành bầy thạch tinh hung hãn để tôn vinh sức mạnh, lòng quả cảm của con người trong công cuộc chinh phục thiên nhiên đem đến cho người đọc cảm giác thẩm mỹ mới mẻ, hồi hộp và lo âu như chính mình là người đang chiến đấu trận chiến sinh tử trên trận đồ bát quái.
Dòng sông Đà kia như hổ thì ông lái đò được coi như kị sĩ anh hùng điều khiển con thuyền – con chiến mã cùng vào sinh ra tử tung hoành trên trận địa, nắm chắc bờm sóng, ghì cương bám chắc vào dòng nước, phóng nhanh vào cửa sinh, lái miết mặc cho con sông hiểm ác, hung dữ ông vẫn bám chặt, ghì cương như bám chặt vào sự sống.
Với trí tưởng tượng phong phú, vốn trí thức uyên bác trên nhiều lĩnh vực Nguyễn Tuân đã mang đến cho người đọc những trang văn kì thú, hấp dẫn về vẻ đẹp của con người lao động. Cho ta thấy rằng ngay trong cuộc sống mưu sinh thường ngày, nhân dân ta phải vật lộn ra sao với miếng cơm manh áo.
Cuộc đời những người lái đò Sông đà nơi hoang vu là ngọn nguồn sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của người nghệ sĩ. Có lẽ cũng chính bởi thế tùy bút Sông Đà đã Vang bóng cùng cuộc đời của cây bút bậc thầy trong nền văn xuôi hiện đại Nguyễn Tuân.
Tác giả: ANH ĐÀO