(Kenhvanmau.com) – Anh (Chị) hãy phân tích nhân vật Việt trong tác phẩm Những Đứa Con Trong Gia Đình của Nguyễn Thi trong sách ngữ văn 12 ( Bài làm của học sinh lớp 12 – Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Đề bài: Anh (Chị) hãy phân tích nhân vật Việt trong tác phẩm Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi.
Bài Làm
Nhân vật Việt trong Những đứa con trong gia đình của nhà văn Nguyễn Thi cho thấy phẩm chất của những đứa con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, yêu cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì quê hương, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đây được coi là truyện ngắn đặc sắc được nhà văn viết trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.
Nguyên Thi được biết đến là nhà văn của nông dân Nam Bộ với những nhân vật của ông tiêu biểu cho những người nông dân Nam Bộ bộc trực, giàu lòng nhân ái, yêu cách mạng và sẵn sàng xả thân vì quê hương, vì độc lập tự do của dân tộc. Đó là những con người mang trong mình lòng căm thù giặc sâu sắc, sự gan góc, dũng cảm giàu nghĩa tình, thủy chung với cách mạng. Tuy nhiên, mỗi nhân vật trong gia đình truyền thống với những nét riêng biệt chạm vào cảm xúc của độc giả. Nổi bật lên là nhân vật Việt.
Trong tác phẩm, nhà văn đã dành sự ưu ái trao ngòi bút cho Việt qua các dòng hồi ức, để Việt viết về mình bằng ngôn ngữ, giọng điệu riêng để người đọc hình dung cụ thể, sinh động qua cách kể của cậu con trai mới lớn còn đầy sự hồn nhiên, vô tư,nhưng cũng là một chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, kiên cường.
Nhân vật Việt có sự vô tư, hiếu động, thích tranh phần chị Chiến, thích đi câu cá, bắt chim, khi đi bộ mà vẫn mang theo chiếc ná thun trong túi, mọi việc trong nhà đều phó thác cho chị gái. Ngay cả cách thương chị cũng rất trẻ con, Việt muốn giấu chị như giấu của riêng vì sợ mất chị trước những lời tấu tếu.
Nguyễn Thi đã cố ý tô đậm nét kế thừa của chị Chiến , chị mang vóc dáng và tính cách của mẹ. Chị của Việt, có ngoại hình khỏe khoắn, sinh ra để chống chọi và gánh vác, ở người phụ nữ này có phẩm chất được thừa hưởng từ mẹ, tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh từng “vượt sông, vượt biển”, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh.
Rồi khi tìm lại được đồng đội thì khóc như con nít. Nhưng khi ra chiến trường, Việt lại trở thành một chàng trai chững chạc, một người lính dũng cảm, gan góc, kiên cường. Phẩm chất ấy chính là dòng máu của truyền thống gia đình đang tuôn chảy trong con người Việt.
Ngay khi còn nhỏ, Việt đã dám sông thẳng vào tên giặc vừa giết cha mình mà đá rồi lớn lên nằng nặc đòi đi cầm súng trả thù cho ba má rồi trở thành chiến sĩ chiến đấu dũng cảm, dùng thủ pháo tiêu diệt xe bọc thép của giặc.
Đặc biệt, Nguyễn Thi tập trung vào cảnh Việt bị trọng thương, nằm lại chiến trường hoang vắng, mắt không còn thấy gì mà chỉ còn những cảm giác. Việt nằm trong tư thế chờ giặc, ngón tay trỏ cùng để nơi cò súng và đạn đã lên nòng khi người vẫn đói khát, kiệt sức….
Với Việt, đánh giặc là việc bình thường, như đi bắn chim, bắt ếch ở nhà, đâu cần phải nghĩ, phải sợ… Hình ảnh Việt tiêu biểu cho lớp thanh niên thời kỳ cách mạng, với hành động chống giặc trả thù nhà đền nợ nước chính là một trong những thước đo quan trọng về phẩm chất con người trong các tác phẩm của Nguyễn Thi.
Nguyễn Thi đã khắc họa tính cách nhân vật Việt vừa cụ thể vừa sống động, tiêu biểu cho tấm lòng thương yêu, gắn bó sâu sắc của người dân Nam Bộ với gia đình, với quê hương đất nước. Tất cả đã tạo nên sức mạnh tình thân to lớn của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước.
Tác giả: ANH ĐÀO