(Kenhvanmau.com) – Anh (chị) hãy bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh trong sách văn học lớp 12 (Bài làm của HS lớp 12 Trường THPT Hồng Quang – Hải Dương)
Đề bài: Anh (chị) hãy bình giảng bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
BÀI LÀM
Bàn về thơ tình yêu hiện đại, chúng ta không thể không nhắc tới thi sĩ Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh là nhà thơ tiêu biểu nhất của thế hệ nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ cứu nước. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng của một tâm hồn phụ nữ nhiều trắc ẩn, vừa hồn nhiên, tươi tắn, vừa đằm thắm và luôn da diết trong khát vọng về hạnh phúc bình dị đời thường. Nữ sĩ Xuân Quỳnh viết nhiều, viết hay về tình yêu, trong đó nổi bật lên thi phẩm Sóng. Bài thơ Sóng được Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967 trong chuyến đi thực tế tại vùng biển Diêm Điền (Thái Bình), được in trong tập “Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ là nỗi lòng về tình yêu được thi sĩ diễn tả vừa chân thành vừa đằm thắm trong một trái tim phụ nữ khát khao yêu thương, ước nguyện thủy chung.
Nếu như nhà thơ Xuân Diệu mượn hình tượng Biển để nói về tình yêu đôi lứa:
“ Anh không xứng là biển xanh
Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê”
Thì nữ Xuân Quỳnh mượn hình tượng Sóng để diễn tả tâm trạng của người phụ nữ khi yêu:
“Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể”
Đúng là cảm xúc của người phụ nữ đang yêu: Khi đầy giông tố, khi lại nguôI ngoai, hiên hào. Thật tinh tế biết bao khi Xuân Quỳnh nhận ra trong cái dông bão của chiều sâu tình yêu là sự hiền hòa, đằm thắm. Dường như đó cũng là quy luật bất biến của cuộc đời, của trời đất, giận rồi lại thương, mưa rồi lại nắng. Quy luật của tình yêu là sự vận động không ngừng là bởi tình yêu muôn thuở chẳng bao giờ đứng yên. Vì thế nếu sông không hiểu nỗi mình, sóng tìm ra tận bể, sóng sẽ từ bỏ cái nhỏ hẹp của con sông kia để tìm tới biển lớn, để được sống hết mình.
Những con sóng liên tiếp, khi dạt dào sôi nổi, lúc dịu êm sâu lắng thật nhiều cung bậc, sắc thái cảm xúc khác nhau khiến người đọc bị cuốn hút, bị ảnh hưởng bởi độ ngân vang, bởi nhịp điệu câu thơ, cảm xúc của nhà thơ.
Nhà thơ Xuân Diệu từng thốt lên rằng: “Làm sao sống được mà không yêu” . Tình yêu khiến người ta trẻ hơn, khiến người ta thăng hoa trong cuộc sống, khiến con trai khao khát yêu thương rạo rực, bồi hồi. Với Xuân Quỳnh, tình yêu luôn là điều bí ẩn và nữ thi sĩ ấy đã mượn hình tượng sóng để lí giải tình yêu:
“Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
Xuân Quỳnh đã diễn tả nỗi nhớ vô bờ trong tình yêu của anh và em khiến cho chính dòng cảm xúc của thơ thay đổi, nhưng chính điều ấy đã góp phần đem đến sự thành công trong bài thơ với nỗi nhớ tình yêu xuyên thấu hư và thực. Cách so sánh đắc địa, sóng nhớ bờ, còn em thì nhớ anh. Một sự so sánh cộng hưởng, diễn tả nỗi nhớ vô biên vô đích khi em đã yêu anh. Đây quả thực là những lời thơ giản dị mà sâu lắng, thấm thía vô cùng.
Âm điệu trong thơ là yếu tố quan trọng trong thơ ca, mà chi phối âm điệu bài thơ chính là cảm xúc, trạng thái của thi sĩ. Âm điệu trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh là âm điệu của những con sóng trên biển cả, là nhịp của những con sóng liên tiếp, triền miên, khi dạt dào sôi nổi, khi lại sâu lắng dịu êm, lúc thì gào thét dữ dội…. Những con sóng nhiều cung bậc cảm xúc và sắc thái ấy chính là hình ảnh ẩn dụ của người phụ nữ đang yêu, của một nỗi lòng khát khao tình yêu vô hạn, đồng điệu với sóng biển để bộc lộ lòng mình, một ngọn lửa tình biến động khát khao.
Âm điệu cảm xúc trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh được tạo thể thơ năm chữ, bởi phương thức tổ chức ngôn từ linh hoạt, uyển chuyển. Sự phóng túng khi ngắt nhịp, phối âm rất ấn tượng, nhịp sóng biển và nhịp sóng lòng khi dịu êm lúc lại dữ dội.
Với thể thơ năm chữ, hình ảnh, ngôn ngữ mộc mạc, dung dị bài thơ Sóng tạo nên âm điệu của những con sóng lòng khi trào dâng nỗi nhớ cồn cài, khi dạt dào khao khát hướng về một tình yêu thủy chung trước cuộc đời muôn vàn khó khăn, cách trở. Qua đây, nữ sĩ cũng gửi gắm thông điệp của tình yêu chân thành, cao thượng, thủy chung tới bạn trẻ muôn thế hệ.
Tác giả: ANH ĐÀO