(Kenhvanmau.com) – Anh (chị) hãy trình bày cảm nhận về truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu.
Đề bài: Cảm nhận về truyện ngắn Chiếc Thuyền Ngoài Xa của Nguyễn Minh Châu qua bài làm của học sinh trường THPT Hồng Quang – Hải Dương.
BÀI LÀM
Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa là một phát hiện về đời sống và con người của Nguyễn Minh Châu theo tư duy đổi mới. Với bao nghịch lý cuộc đời, bao nghiệt ngã của cuộc sống hiện thực được tác giả mở ra, khiến người đọc vỡ lẽ từ một tờ lịch “tĩnh vật” thuần túy của người nghệ sĩ nhiếp ảnh Phùng trong chuyến đi thực tế để gửi gắm chiêm nghiệm sâu sắc về nghệ thuật và về cuộc đời.
Trước khi thống nhất đất nước, văn học chủ yếu tập trung vào sự cống hiến, hy sinh cho cách mạng, các tiêu chuẩn đạo đức cách mạng được thể hiện trong các mối quan hệ. Nhưng kể từ sau năm 1975, văn học nước nhà đã có nhiều cái nhìn mới, trở về với cuộc sống đời thường, khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức và yêu cầu người nghệ sĩ phải phát hiện, nhận diện những mối quan hệ xã hội phức tạp để hướng cho độc giả nhận thức về cuộc sống và hình thành nhân cách.
Trung tâm của truyện ngắn là nhân vật Phùng, và điểm nhìn của Phùng cũng chính là điểm nhìn của Nguyễn Minh Châu. Qua nhân vật này, nhà văn muốn gửi gắm những suy nghĩ, chiêm nghiệm của mình về nghệ thuật và cuộc đời. Người nghệ sĩ có khi bắt gặp những mâu thuẫn, éo le trong nghề nghiệp vì vậy cần phải có cái nhìn đúng đắn, nhiều chiều và đa diện, phát hiện bản chất sự thật sau vẻ bề ngoài của hiện tượng.
Trong tác phẩm, mọi mối quan hệ, ứng xử, tính cách tạo ra bước ngoặt trong tư tưởng, và khi Phùng chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ một cách tàn nhẫn thì người nghệ sĩ chân chính từng vào sinh ra tử ấy bị ám ảnh.
Nhân vật Phùng vốn là người lính vào sinh ra tử, căm ghét mọi bất công và sẵn sàng xả thân vì lẽ công bằng vì thế anh thực sự xúc động trước vẻ đẹp tinh khôi trước ánh nắng ban mai của thuyền và biển nhưng trái tim anh cũng thắt lại trước nỗi đau của con người. Trong lúc tâm hồn bay bổng của người nghệ sĩ thì anh phải chứng kiến người đàn bà mệt mỏi bị đàn ông đánh đạp thô bạo, chửi rủa độc địa và đứa con trai vì không kìm được đã đánh lại cha khiến người nghệ sĩ từ ngạc nhiên đến hụt hẫng, chết lặng và không dám tin vào mắt mình.
Đằng sau sự toàn bích của thiên nhiên mà anh bắt gặp thì cái ác hiện hữu ngay trong đó, hạnh phúc con người luôn tiềm ẩn những bất hạnh. Và nhân vật Phùng cũng hiểu rằng không thể đánh giá bản chất con người hoặc sự vật bằng vẻ bên ngoài được. Bởi như vậy là hời hợt và thiếu sâu sắc, đặc biệt là người nghệ sĩ phải nhìn thấu suốt vấn đề, không thể dễ dãi và đơn giản trong mọi sự vật và hiện tượng được.
Còn người đàn bà thất học, quê mùa mà Phùng chứng kiến là người thấu đáo, mang triết lý của người từng trải, chấp nhận thiệt thòi để con trai không bị tổn thương và chúng có đầy đủ cha mẹ. Ấy chính là hạt ngọc ẩn dấu sau những lấm láp đời thường mà người nghệ sĩ chân chính kiếm tìm, ngợi ca.
Cái đẹp là bản thân cuộc sống với nhiều gam màu sáng tối khác nhau và cái hồn của nghệ thuật chính là vẻ đẹp bình thường của những con người lam lũ, vất vả trong cuộc sống thường nhật. Phàm là người nghệ sĩ cần phải có cái nhìn đa diện trước cuộc sống, phải có tâm hồn và trái tim biết rung động trước mọi lẽ đời, biết yêu, ghét, vui,buồn trước cuộc sống để hành động sao cho đúng.
Tác giả: ANH ĐÀO