(Kenhvanmau.com) – Anh (Chị) hãy phân tích bài thơ đàn ghita của Lorca. (Bài làm của học sinh lớp 12A3 – Trường THPT Vĩnh Chân – Phú Thọ)
Đề bài: Phân tích bài thơ đàn ghita của Lorca
Bài làm
Đàn ghi ta của Lorca là sáng tác tiêu biểu cho sự suy tư, mãnh liệt và phóng túng trong cảm xúc của nhà thơ Thanh Thảo về cái chết đầy bi tráng của Lorca – Nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch, nhà hoạt động sân khấu thiên tài người Tây Ban Nha mà Thanh Thảo muốn tái hiện lại thời khắc bi tráng ấy với tấm lòng đầy xót thương và ngưỡng mộ.
Lorca được xem là bậc thầy của thi ca hiện đại trên thế giới, ông đại diện cho thế hệ những người nghệ sĩ có ý thức trách nhiệm xây dựng nền nghệ thuật mới. Chính vì vậy, cái chết của người nghệ sĩ tài hoa đã lan tỏa khắp thế giới cho tới nhiều năm sau. Và thời khắc bi tráng đó đã được một nhà thơ người Việt Nam có tên Thanh Thảo phục sinh với tấm lòng tri âm đầy xót thương và ngưỡng mộ qua cây đàn ghi ta – một biểu tượng nghệ thuật quen thuộc và độc đáo.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh Lorca với những đường nét chấm phá, đặc trưng bởi trường phái ấn tượng:
“những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn”
Sự cô đơn của người nghệ sĩ trên hành trình đi tìm cái đẹp, cái mới mẻ trong thế giới độc tài thì không phải ai cũng thấu hiểu và thông cảm được. Người nghệ sĩ dũng mãnh như võ sĩ trên đấu trường nghệ thuật nhưng lại cô đơn, lang thang trên yên ngựa mỏi mòn và chỉ có vầng trăng lẽo đẽo theo sau.
Những hình ảnh tương phản giúp bạn đọc có thể hình dung về người nghệ sĩ Lorca, một con người đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật trong thế kỷ XX, đồng thời gợi sự liên tưởng đến khung cảnh chính trị và nghệ thuật của đất nước Tây Ban Nha lúc bấy giờ, ấy là một nền chính trị độc tài, già nua và hình ảnh người nghệ sĩ hiện ra như một đấu sĩ trên đấu trường với nỗi niềm dang dở của khát vọng cách tân nghệ thuật.
Nhưng cũng chính vì khát vọng cách tân mà chế độ độc tài đã vội vàng ngăn chặn biểu tượng văn hóa mới của dân tộc Tây Ban Nha vì thế ngay cả Lorca cũng không ngờ cái chết lại đến với mình sớm như thế, khi khát vọng vẫn còn sục sôi trong huyết quản.
Lorca bị đưa tới bãi bắn, hành hình trong khi Tây Ban Nha vẫn nghêu ngao thứ âm điệu lạc hậu, chưa đồng điệu cùng người nghệ sĩ và họ cũng kinh hoàng khi nghe tin anh bị hành hình. Thanh Thảo đã liệt kê một loạt những hình ảnh tả thực, đó là sự trầm lắng đau thương với tấm áo choàng không còn gay gắt đỏ trước sự hung hãn của chế độ mà bê bết máu nơi pháp trường. Sự thảm khốc ấy khiến chính người nghệ sĩ tiếc nuối khiến chàng đi như người mộng du vào cõi chết trong đau đớn, chơi vơi vì mọi ý tưởng, dự định cho dân tộc, cho nền nghệ thuật chỉ mới bắt đầu.
Cây đàn không chỉ là biểu tượng mà còn là những đóng góp của anh trong lĩnh vực nghệ thuật và khi Lorca chết có nghĩa là sự sống của cây đàn, của những sáng tạo nghệ thuật cũng không còn nữa. Và thực tế rằng vì Tây Ban Nha quá yêu mến và ngưỡng mộ Lorca nên không ai biết cách vượt qua anh khiến tiếng ghi ta như cỏ mọc hoang. Bởi khi người nghệ sĩ có bị xử tử, bị hành hình thì những đứa con tinh thần của họ vẫn có sức sống man dại như cỏ hoang và ngày càng lan rộng, tỏa khắp.
Bài thơ đàn ghi ta của Lorca là những suy ngẫm của nhà thơ Thanh Thảo về cuộc đời và số phận của người nghệ sĩ tài hoa bạc mệnh người Tây Ban Nha với tấm lòng đồng điệu, đồng cảm và sự tiếc thương sâu sắc của nhà thơ. Qua đó làm sống dậy hình tượng bất tử và bi tráng của Lorca như tiếng đàn ghi ta của anh.
Tác giả: ANH ĐÀO