(Kenhvanmau.com) – Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm (Sách Ngữ văn lớp 10). Bài làm của học sinh trường THPT Gia Viễn B.
Đề bài: Phân tích bài thơ Nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Bài Làm
Nguyễn Bỉnh Khiêm ( 1491- 1585) là người học sâu hiểu rộng, nhiều tác phẩm được ông để lại đều là những tuyệt tác mang tính triết lý giáo huấn, phê phán những điều hủ bại trong xã hội cũ và ca ngợi chí khí của kẻ sĩ. Nhàn là bài thơ tiêu biểu trong tập thơ “ Bạch Vân quốc ngữ thi". Tác phẩm viết theo thể thất ngôn bát cú đường luật, nội dung làm toát lên vẻ đẹp mộc mạc, giản dị và chân chính của ông.
Những câu từ hết sức giản dị được gắn liền với hình ảnh mộc mạc của người dân lao động, nhưng dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Bình Khiêm, tất cả đều đẹp, một vẻ đẹp dân giã, chân chất mà trân quý.
Ngay từ nhan đề cho tới phần mở đầu của bài thơ, chúng ta cũng đã có thể cảm nhận được không khí nhàn rỗi, yên bình chốn thôn quê xuyên suốt nội dung của bài:
“ Một mai một cuốc,một cần câu
Thơ thẫn dầu ai vui thú nào.”
Chỉ với hai câu thơ đơn giản, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã vẽ lên trước mắt độc giả một bức tranh đơn sơ, bình dị nơi miền quê. Hình ảnh lão nông chất phác hiện lên giữa khung cảnh thiên nhiên êm đềm đó dù một mình nhưng không hề đơn độc. Bởi lão nông ấy đang thảnh thơi, an nhàn với thú vui tao nhã: làm vườn, câu cá.
“ Ta dại , ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao”
Sự đối nghịch ở "ta" và "người", "dại", "khôn", "vắng vẻ" và "lao xao" làm nổi bật giá trị nghệ thuật và ý nghĩa thâm sâu trong hai câu thơ. Đây giống như một "tuyên ngôn" sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông tự nhận mình là một người "dại" nên tìm đến nơi vắng vẻ, còn "người khôn" thì cứ việc vui chốn lao xao. Không phải ông không có lòng với nước, mà bởi thế sự rối ren, ông không muốn cái tâm thanh tịnh của mình bị vấy đục bởi những bon chen, tranh giành quyền lực chốn quan trường. Vì thế, ông lui về ở ẩn, tìm niềm vui trong cuộc sống an nhàn nơi thôn dã, mặc những "người khôn" ngoài kia cứ việc vui với cuộc sống ham danh lợi của họ.
Trong hai câu thơ tiếp theo:
“ Thu ăn măng trúc đông ăn giá.
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao”
Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tô đậm thêm bức tranh cuộc sống an nhàn, thanh tao của ông. Mọi thức ăn đều có sẵn, cuộc sống sinh hoạt hoàn toàn hòa vào với thiên nhiên bình dị. Thế nhưng, cuộc sống dân giã ấy vẫn không thể che lấp được cái nhìn thấu đáo của một nhà trí tuệ lỗi lạc:
“ Rượu đến cội cây ta cũng uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao”
Phú quý trong con mắt của Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ như là một giấc mộng. Mà đã là mộng, khi tỉnh lại sẽ chẳng còn gì. Đã là một Trạng nguyên rồi làm quan lớn trong triều đình, đã từng hưởng vinh hoa phú quý, bởi thế hơn ai hết Nguyên Bỉnh Khiêm hiểu được giá trị của những điều đó. Tất cả vốn chỉ là hư vô, sự thanh cao, thanh tịnh trong tâm hồn mới là điều mà nhà thơ coi trọng.
Tuy nhiên, qua hai câu thơ này, chúng ta cũng có thể nhìn thấy, Nguyễn Bình Khiêm tìm về cuộc sống dân giã, tưởng như rũ bỏ tất cả, nhưng thực chất trong thâm tâm ông vẫn còn nặng nỗi niềm lo cho nước, cho dân. Ẩn bên trong cuộc sống an nhàn, vui thú chính là nỗi xót xa cho thế sự rối ren, cho vận mệnh của quốc gia. Một chí sĩ tài trí hơn người, không ham danh vọng nhưng có thể nào gạt bỏ tất cả muộn phiền?
Có thể nói, bài thơ "Nhàn" vừa là một bức tranh lột tả cuộc sống dân giã, giản dị, nhưng cũng thể hiện sự đa cảm, tinh tế chất chứa nỗi niềm của nhà trí sĩ tài danh lui về ở ẩn./.
Tác giả: ANH ĐÀO