(Kenhvanmau.com) – Anh (Chị) hãy phân tích tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân. (Bài làm của học sinh lớp 12 – Trường THPT Hồng Quang – Hải Dương).
Đề bài: Anh (Chị) hãy phân tích tác phẩm Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân
BÀI LÀM
Con người ta dù nghèo khổ đến đâu thì họ vẫn có quyền mơ ước và có quyền có một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Trong tác phẩm Vợ nhặt, nhà văn Kim Lân đã đem đến cho bạn đọc giá trị nhân bản sâu sắc, không chỉ thương cảm với khổ đau của người nông dân mà còn nhìn ở họ những phẩm chất tốt đẹp.
Trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lâm, con người được nói đến chỉ là một thứ đồ vật có thể nhặt được một cách dễ dàng. Tại sao nhà văn lại để cho nhân vật của mình bị rẻ rúng đến thế? Ông buộc người đọc phải suy ngẫm ngay từ nhan đề của truyện, ngay từ nhan đề đã đề cập tới sự éo le, kì quặc, vừa vui vừa buồn.
Chính hiện thực phũ phàng là nạn đói năm 1945 do thực dân Pháp và phát xít Nhật cùng bè lũ phong kiến đã đẩy người dân vào cảnh khốn khổ. Sự thật lịch sử ấy đã được nhà văn Kim Lâm hắt bóng lên từng trang viết, hiện thực phũ phàng về nạn đói có một không hai ấy ám ảnh người đọc từ đầu đến cuối tác phẩm. Cái đói tràn lan, len lỏi vào mọi không gian và cảnh vật, con người.
Ngòi bút Kim Lân đã dựng lên bức tranh ảm đạm, ghê rợm khủng khiếp gây xúc động mạnh trong lòng người đọc. Dân tộc Việt Nam sẽ không bao giờ có thể quên được tội ác của chiến tranh ngày ấy. Có lẽ chính bởi vậy mà ông để cho người đàn bà trong tác phẩm của mình là nhân vật không tên, chỉ đơn giản gọi là thị, một chữ “thị” chung chung.
Rồi cuộc hôn nhân của thị chỉ bắt đầu từ câu trêu đùa tầm phào để được ăn bánh đúc mà cô quên cả sĩ diện, cắm đầu ăn một lúc bật bát bánh đúc chẳng hề chuyện trò. Người đàn bà ấy trao cả cuộc đời của mình mà không cần cưới xin, cứ đi theo Tràng mà không cần hỏi han gì. Ôi! Cái đói khiến mạng người trở nên bèo bọt như thế đấy!
Tràng được Kim Lân đặc tả là nhân vật xấu xí, người thô, to lớn, đôi mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều, khi cười ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch lại thêm cái tật vừa đi vừa lảm nhảm những điều mình nghĩ và Tràng còn là dân ngụ cư nghèo, ế vợ. Vì thế khi Tràng đưa thị về làm vợ làm cho cả xóm bất ngờ, người mẹ già của anh và chính anh cũng không ngờ nhưng Tràng thấy hạnh phúc.
Nhưng điều đáng quý ở chàng trai này là tình yêu thương của anh đốiv ới người cùng khổ, anh chấp nhận đối mặt với khó khăn hiện tại và tương lai sắp tới. Hơn nữa, đó là niềm khao khát về một mái nhà, về hạnh phúc gia đình. Niềm hạnh phúc ấy được Kim Lân diễn tả chính xác và cảm động qua diễn biến tâm lý của Tràng. Từng câu từng câu gieo vào lòng người đọc niềm cảm xúc sâu xa. Dẫu có thế nào thì được yêu thương, được hạnh phúc là đáng quý hơn cả. Niềm hạnh phúc của Tràng thật giản dị, tâm hồn anh chàng ngụ cư nghèo lâng lâng vui sướng và ngỡ ngàng, xúc động.
Đưa một người đàn bà xa lạ về làm vợ không có cưới xin đàng hoàng, không cỗ bàn, không rước dâu nhưng nghe cách họ nói thấy gần gũi, thân mật làm sao. Cứ thế họ thành vợ thành chồng, chỉ cần vài câu mộc mạc ông đã đưa đôi lứa nên duyên trong những ngày đói kém nhất của lịch sử. Và để cho Tràng hiểu được giá trị của một gia đình hạnh phúc. Ấy là niềm vui sướng tràn ngập tâm hồn khiến anh bỗng yêu đời, khiến Tràng thấy mình cần có trách nhiệm với hai người đàn bà bên cạnh mình. Tràng là người biết vượt lên hoàn cảnh và luôn hy vọng vào tương lai. Đó chính là giá trị nhân đạo sâu sắc của thiên truyện ngắn này.
Sinh ra từ miền quê, Kim Lân hiểu cuộc sống người nông dân hơn bao giờ hết. Cũng từ đó ông cảm thông và đồng điệu với các nhân vật để cất lên bài ca nhân bản về hạnh phúc đời thường và phê phán hiện thực xã hội lúc bấy giờ trong thiên truyện ngắn Vợ nhặt.
Tác giả: ANH ĐÀO