(Kenhvanmau.com) – Anh (Chị) hãy phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn (Sách Ngữ văn 12)
Đề bài: Anh (Chị) hãy phân tích truyện ngắn Thuốc của Lỗ Tấn (Bài làm của học sinh lớp 12A3 – Trường THPT Vĩnh Chân – Phú Thọ)
Bài làm:
Lỗ Tấn là một trong những thanh niên thời đại bấy giờ của Trung Quốc trăn trở đi tìm đường cứu vong cho dân tộc. Lỗ Tấn ôm ấp nguyện vọng học y để cứu giúp người nghèo khổ nhưng rồi nhận thấy chữa bệnh thể xác không quan trọng bằng việc chữa bệnh tinh thần cho đồng bào nên ông đã chuyển sang làm văn học nghệ thuật để thức tỉnh đồng bào. Tác phẩm Thuốc của Lỗ Tấn tiêu biểu cho tâm tư, nguyện vọng của ông trong hoàn cảnh đầy biến động của xã hội Trung Hoa lúc bấy giờ.
Truyện ngắn Thuốc nằm trong chủ đề bao trùm các sáng tác của ông là phê phán quốc dân tính căn bệnh tinh thần kìm hãm sự phát triển đất nước Trung Quốc lúc bấy giờ. Lỗ Tấn đã dùng ngòi bút của mình để đề cập đến sứ mệnh thiêng liêng vốn có của nó, đó là chữa trị tinh thần cho con người, thứ văn chương chuyên chú và vì con người.
Thuốc ở đây không chỉ hiểu là thuốc chữa bệnh đơn thuần chữa bệnh lao, là thứ thuốc độc, phi khoa học, mê tín dị đoan. Ông muốn khai sáng cho con người, muốn đồng bào mình phải tìm hiểu khoa học, phải tìm tòi để chữa căn bệnh nan y này. Ý nghĩa sâu sắc nhất của Thuốc là nhà văn muốn cảnh tỉnh đồng bào, rằng cần có thứ thuốc đặc hiệu để điều trị sự u mê, vô cảm, cho tinh thần tê liệt của nhân dân ông. Lỗ Tấn nhận thấy rằng dân tộc ông không hiểu biết về chính trị, vì thế họ cần thuốc để giác ngộ để chuyển mình trước sự đổi thay của thời cuộc.
Và Thuốc ở đây cũng là để chữa cho những người cách mạng chưa thoát ra khỏi tư tưởng cộng sản, vẫn còn xa rời và thoát li quần chúng nhân dân mà ông đã nhận thấy những hạn chế của cách mạng Tôn Trung Sơn. Ông nhận thấy rằng người Trung Quốc bấy giờ như cái tay không cảm nhận được nỗi đau của cái chân mà luôn hớn hở, tự đắc. Đây chính là căn bệnh cần có phương thuốc chữa trị để đất nước thoát khỏi nạn vong quốc.
Trong truyện ngắn, khách ở quán trà lão Hao đã bàn về chuyện thằng Tuyên ăn thuốc là bánh bao tẩm máu tử tù vì họ coi đó là thần dược chữa bệnh và câu chuyện về kẻ tử tù Hạ Du bị gọi là tên quỷ sứ, lưu manh trong khi mọi người không hề biết anh ta là ai. Cái chết của Hạ Du đã đem lại lợi ích cho nhiều người, họ tìm kiếm cái áo Hạ Du mặc, mua máu của Hạ Du để chữa bệnh lao….
Tác phẩm hiển hiện lên cảnh tối tăm, u mê, ngu muội của đất nước Trung Hoa lúc bấy giờ, qua đó, nhà văn lột trần và phơi bày căn bệnh tinh thần của họ. Bánh bao “được” tẩm máu người là thứ quái đản, thứ thuốc gây chết người, đó là thứ thuốc độc, là sự mê tín dị đoan mà Lỗ Tấn muốn thức tỉnh mọi người, muốn mọi người chữa bệnh bằng khoa học.
Và cần phải có thuốc để chữa sự u mê, ngu muội trì trệ bảo thủ phong kiến vẫn ăn sâu trong tiềm thức nhân dân như căn bệnh vô cảm, dửng dưng trước nỗi đau đồng loại do sự thiếu hiểu biết về chính trị. Và cần có thuốc chữa bệnh xa rời quần chúng của những người làm cách mạng bởi nếu không biết đoàn kết giai cấp thì dân chúng còn u mê chưa được giác ngộ thì máu của những người làm cách mạng còn đổ xuống một cách vô nghĩa. Lỗ Tấn muốn cảnh tỉnh rằng đất nước Trung Hoa lúc ấy như một con bệnh trước cơn thập tử nhất sinh cần phải có thuốc để điều trị tránh khỏi nạn vong quốc.
Qua truyện ngắn Thuốc, Lỗ Tấn đã dùng ngòi bút của mình để phanh phui bệnh tinh thần của Quốc dân, ông hát cho đồng bào của mình nghe bài hát lạc điệu của chính họ và chỉ cho họ thấy những bước đi sai nhịp của họ trong cuộc sống. Lỗ Tấn xứng đáng là nhà văn cách mạng có tầm ảnh hưởng lớn tới văn đàn Trung Quốc thế kỷ XX, không hổ danh là linh hồn dân tộc Trung Hoa.
Tác giả: ANH ĐÀO