Home / VĂN MẪU THPT / Văn mẫu lớp 12 / Cảm nhận mới mẻ của nhà thơ về đất nước trong bài đất nước của Nguyễn Khoa Điểm

Cảm nhận mới mẻ của nhà thơ về đất nước trong bài đất nước của Nguyễn Khoa Điểm

(Văn mẫu lớp 12) – Anh (chị) hãy nêu cảm nhận mới mẻ của nhà thơ về đất nước trong bài đất nước của Nguyễn Khoa Điềm. ( Bài làm của học sinh giỏi lớp 12 trường Nguyễn Bỉnh Khiêm).

Đề bài: Nêu cảm nghĩ của anh (chị) về những cảm nhận độc đáo, mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm được thể hiện qua nội dung và thi pháp khổ 4 bài thơ: “Đất nước”.

Bài làm

   Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn 1965-1975. Từ thực tế sôi động của cuộc sống mà mình trải nghiệm, Nguyễn Khoa Điềm đã sáng tác nhiều bài thơ, tập thơ đặc sắc, kết hợp những xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng. Một trong số đó là “Mặt đường và khát vọng”. Chương V bản trường ca ấy mang tên “Đất nước”- đoạn trích tiêu biểu cho cả nội dung và thi pháp của bài thơ.Tôi ấn tượng hơn cả với đoạn:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương

Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

Người học trò nghèo góp cho Đất nước mình núi Bút, non Nghiên

Con cóc, con gà quê hương góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm

Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống cha ông

Ôi Đất nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

   Từ cảm nhận đất nước trong hình hài, vóc dáng, núi sông địa lí, tôi cũng thấu hiểu hơn những cảm nhận độc đáo, mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

cam-nhan-moi-me-cua-nha-tho-ve-dat-nuoc-trong-bai-dat-nuoc-cua-nguyen-khoa-diem

Đoạn thơ đã thể hiện rất rõ nhận thức của đôi bạn trẻ- nhân vật thi pháp, cái tôi của nhà thơ về Đất nước. Đất nước này là do nhân dân tạo dựng, là của nhân dân, mang vẻ đẹp của một nền văn hóa thần kì:

“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất nước những núi Vọng Phu

Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái

Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại

Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất tổ Hùng Vương”

Nhìn những danh lam, thắng cảnh, đôi trai gái nhớ những huyền thoại, huyền tích, thấm thía cội nguồn tạo ra Đất nước. Nếu không có hàng vạn những người phụ nữ Việt Nam từng nếm trải nỗi đau chia li, từng chờ chồng đến mỏi mòn hóa đá thì núi kia cũng chỉ là núi vô tri, vô giác chứ không thể thành núi “Vọng Phu”. Những ngọn núi ấy không chỉ là minh chứng cho nỗi đau đớn của chiến tranh, mà còn là biểu tượng của tình yêu sâu đậm, thủy chung, giàu lòng hi sinh- những đức tính tốt đẹp ngàn đời nay của người phụ nữ Việt Nam, góp phần vào truyền thống Đất nước. Nếu không có tình nghĩa vợ chồng muôi mặn gừng cay, không có sự nồng nàn, mãnh liệt của của tình yêu đôi lứa thì hai tảng đá nghiêng đầu bên song biển khơi không thể hóa thành hòn Trống Mái. Nhân dân sáng tạo cho Đất nước thắng cảnh từ những truyền thuyết, cổ tích mang đậm chất văn hóa dân gian, nhân dân cũng sáng tạo những khoảng không gian độc đáo của Đất nước. Qua trí tưởng tượng phong phú và lòng tự tôn dân tộc, những ao đầm nơi làng quê được sinh ra từ gót chân ngựa thánh Gióng. Để rồi mỗi kh sa vào dấu tích kia, bao nhiêu lớp người có thể ngẩng cao đầu kiêu hãnh về truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc. Không chỉ vậy, Đất nước trong sáng tạo và trí tưởng tượng của nhân dân còn là mảnh đất linh thiêng với núi đồi trùng điệp được tạo dựng bằng huyền thoại và cả tình cảm cội nguồn sâu nặng của dân tộc:

Loading...

“Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm

 Người học trò nghèo góp cho Đất nước mình núi Bút, non Nghiên

 Con cóc, con gà quê hương góp cho Hạ Long thành thắng cảnh

 Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”

Hệ thống hình ảnh thơ vừa sáng tạo, vừa cụ thể, giàu sức khái quát. Ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm lướt qua bao cảnh thiên nhiên Đất nước để khẳng định rằng chính nhân dân đã tạo nên tất cả. Mỗi người học trò nghèo với tinh thần hiếu học, với sự bền bỉ kiên trì đã góp cho Đất nước những núi Bút, non Nghiên, đến hình ảnh những con vật rất nhỏ bé nhưng qua tài năng và trí tưởng tượng của nhân dân cũng góp cho Đất nước những danh thắng. Không chỉ vậy, trên khắp mọi miền quê, có biết bao nhiêu con người bình dị đã lặng lẽ góp cả cuộc đời mình cho xứ sở. Nguyễn Khoa Điềm đã liệt kê một hệ thống hình ảnh địa danh miền Nam Bộ như “Ông Đốc”, “Ông Trang”, “Bà Đen”, “Bà Điểm” đê gợi lại sự cống hiến thầm lặng và vĩ đại của nhân dân. Họ chính là người có công khai phá đất đai, dựng làng, dựng ấp. Ngay cả khi đã ra đi, họ trao lại cho mảnh đất tên tuổi mình, những mảnh đất thấm bao mồ hôi, xương máu của họ. Bằng thủ pháp nghệ liệt kê, Nguyễn Khoa Điềm đã tái hiện một cách trọn vẹn không gian địa lí ba miền từ Bắc đến Nam. Không gian này được tạo bởi những danh lam thắng cảnh như núi Vọng Phu, hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long… đến những ao đầm, ruộng đồng, gò bãi vô danh làm nên không gian ấy, không phải tạo hóa mà là nhân dân. Cho dù sức người không thể khiến đất biến thành núi sông, biển cả song chính con người đã trao cho núi sông tình yêu, nỗi đau và cả sự phong phú trong tâm hồn mình, để núi ấy, sông ấy trở nên thiêng liêng và bất tử. Đoan thơ cũng đưa ra một đạo lí đậm chất nhân văn Việt Nam:

“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi

 Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống cha ông

 Ôi Đất nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

 Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”

Tác giả một lần nữa khẳng định, nhân dân chính là những người đã sáng tạo nên không gian địa lí cho Đất nước bằng đôi bàn tay lao động cần cù, khéo léo và lối sống đạo lí làm người. Chính nhân dân vơi sự gắn bó máu thịt của họ đã khiến không gian Đất nước có chiều sâu, có linh hồn, mang sự sống đến bất cứ nới đâu trên mảnh đất Việt Nam. Họ đã trao đi dáng hình, ao ước, lối sống và cả cuộc đời để “làm nên Đất nước muôn đời”, làm nên cái nôi rộng lớn bao bọc, nuôi dưỡng biết bao thế hệ người Việt Nam. Như vậy, qua 12 câu thơ sinh động, Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định tư tưởng lớn: Đất nước của nhân dân.

Qua đoạn thơ, tác giả cũng thể hiện những cảm nhận độc đáo, mới mẻ của bản thân về Đất nước. Đối với những thế hệ cha ông trước đây, Đất nước gắn với vua, là của vua, do vua cai quản và trị vì, người dân chỉ là tôi tớ hưởng phúc lộc vua ban. Nhưng Nguyễn Khoa Điềm có một phát hiện mới mẻ mà nhà nho, các tri thức trung đại không thể ý thức được: Đất nước của nhân dân. Tác giả suy ngẫm lắng sâu về công lao của nhân dân- những người không tên không tuổi đã góp đạo lí, máu xương, lối sống, khát vọng đậm chất văn hóa Việt dựng nên Đất nước này. Đây quả là một ý tưởng mới mang tính thời đại, vượt xa quan niệm lạc hậu thời trung đại. Vẫn tiếp nối bút pháp trữ tình, suy tư của những đoạn trên, 12 câu thơ này giàu chất trí tuệ, đòi hỏi người đọc huy động vốn văn học dân gian và những kiến thức địa lí thì mới có thể chia sẻ, đồng cảm được với cái tôi trữ tình của nhà thơ. Qua đó, tôi càng ý thức hơn nữa sứ mệnh của tuổi trẻ. Thế hệ trẻ nên làm gì và phải làm gì trong thời kì hội nhập sôi nổi để gìn giữ và tiếp nối trọn vẹn những điều quí giá mà ông cha ta đã dày công sáng tạo và truyền lại, để Đất nước xinh đẹp mãi là “ Đất nước của nhân dân”.

    Vận dụng sáng tạo thể thơ tự do với hình thức trữ tình, khai thác các chất liệu văn hóa dân gian dồi dào, phong phú, Nguyễn Khoa Điềm đã qui tụ trong 12 câu thơ trên mọi cảm nhận, mọi cái nhìn, vốn tri thức cũng như trải nghiệm cá nhân của người nghệ sĩ để làm nên khám phá mới mẻ, độc đáo về Đất nước: tư tưởng Đất nước của nhân dân, mang đến cho bạn đọc cái nhìn, cảm nhận sâu sắc.

Cảm nhận mới mẻ của nhà thơ về đất nước trong bài đất nước của Nguyễn Khoa Điểm
5 (1) vote
Loading...

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *